Thông tin về ca sĩ Trung Kiên
Ca sĩ Trung Kiên
Nghệ sĩ Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình. Ngoài danh hiệu Nghệ sỹ Nhân Dân (phong tặng năm 2001), ông còn sở hữu học vị Giáo sư và có thời gian trên cương vị thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- thể thao- du lịch) từ năm 1992- 2001. NSND Trung Kiên sở hữu giọng nam cao hiếm có, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông để lại những dấu ấn không thể phai mờ và khó thay thế với những ca khúc: Tình ca (Hoàng Việt) , Việt Nam trên đường chúng ta đi (Huy Du), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường), Ngươì là niềm tất thắng (Chu Minh),… Sau khi nghỉ hưu, ông tập trung và dành hết tâm huyết cho vai trò giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội. Về cuộc sống riêng, cách đây không lâu, ông góp gạo thổi cơm chung với NSND Trần Thu Hà (nguyên giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) sau khi người vợ trước qua đời vì bệnh.
NSND Trung Kiên cùng lứa với các nghệ sĩ nổi tiếng như Quý Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền… Với chất giọng ténor khỏe khoắn, truyền cảm, ông thể hiện đặc sắc những bài hát như Tình ca, Chào sông Mã anh hùng, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát… làm xao động bao trái tim những người yêu nhạc cả nước. Trời ưu ái cho ông chất giọng sáng khỏe, phù hợp cả với opera cũng như romance cổ điển. Tuy nhiên, chính những năm tháng rèn luyện vất vả trên ghế nhà trường đã rèn giũa và giúp ông trưởng thành trong nghề. Là học sinh khóa 3, Học viện Âm nhạc nhưng ngày đó, NSND Trung Kiên không theo học thầy giáo Việt Nam mà làm học trò của các thầy giáo Nga. Sau đó, ông được tạo điều kiện sang Nga học tập. Nước Nga với bao hồi ức đẹp đẽ in dấu trong suốt cuộc đời ông. “Mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian học tập bên Nga, tôi luôn thấy rất hạnh phúc. Các bạn Nga luôn thương mến người Việt Nam. Tụi tôi học rất chăm. Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga đến, tôi lại thấy xúc động và bồi hồi. Có khi đến người Nga, họ cũng không thể hiểu nổi tại sao Việt Nam cứ say đắm nước Nga. Ngày Bác Hồ mất, nhà trường tổ chức lễ tang. Mới sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã nghe thấy tiếng xôn xao, tiếng khóc. Những tình cảm sâu đậm đó đã trở thành chỗ dựa để bọn tôi yên tâm học tập”. Thời gian đó, việc học tập và sinh hoạt được khép trong kỷ luật gắt gao nên những sinh viên Việt Nam như ông đều được gắn mác là mấy ông “cố đạo”, bởi không được đi chơi một mình, ngay cả chuyện yêu đương cũng không nốt. Rời nước Nga, ông về nước, đi vào chiến trường, biểu diễn rất nhiều nơi và cất cao tiếng hát trên sóng phát thanh. Đấy là khoảng thời gian trưởng thành cả về con người và giọng hát của những lứa nghệ sĩ tài danh đầu tiên của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Biểu diễn trong cảnh bom đạn và không có các phương tiện dàn nhạc, micro nhưng tình cảm của những người lính không thể nào quên trong lòng các nghệ sĩ. Ông chia sẻ: “Biểu diễn ở chiến trường gian khổ và lúc nào ăn uống cũng thiếu thốn. Có lần tôi và anh Quý Dương biểu diễn ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Đói kinh khủng, hai anh em vào trại của thanh niên xung phong xem có gì ăn không. Chả có ai cả, anh em nhìn thấy có nồi khoai, thế là ăn vụng mỗi đứa một củ. Vất vả, gian khổ là thế nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc được hát, được biểu diễn cho các đồng chí giữa bom rơi đạn lửa thật khó cắt nghĩa”. Từ khi tốt nghiệp ra trường (1970), đến khi trở thành diễn viên của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, NSND Trung Kiên vẫn luôn song hành biểu diễn và tham gia công tác giảng dạy. Lao động không mệt mỏi, sự nghiệp âm nhạc của ông có những bước tiến dài. Năm 1992, ông đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, phụ trách mảng Văn hóa – Nghệ thuật, đến năm 2001 mới nghỉ hưu. Những tưởng lúc này ông sẽ an nhàn hưởng thụ cuộc sống vui vầy bên con cháu, thế nhưng ông lại tất bật sáng tối đứng lớp giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Việt Nam. Nhắc đến chuyện biểu diễn, ông chỉ bảo: “Tôi vẫn biểu diễn cùng dàn nhạc đấy chứ, chỉ là không tham gia đơn ca nữa thôi. Bây giờ mình già rồi, để cho các em thể hiện, mình cứ ra lấn át chúng, vừa buồn cười lại vừa vô duyên. Thời điểm này, tôi vẫn có sức khỏe, có giọng hát nên rất nhiều chương trình mời biểu diễn. Tuy nhiên, tôi vẫn phải cảm ơn và nói thôi xin đừng mời tôi. Tôi già rồi, xuất hiện một tí thôi rồi đi vào”. Ngỡ rằng câu chuyện chỉ dừng đến đây nhưng bất giác tôi cảm nhận nỗi buồn đi qua trong tiếng thở dài của người nghệ sĩ ấy. “Có lần, tôi hát với Dàn nhạc giao hưởng trong chương trình rất lớn ở Nhà hát Lớn. Thế mà, tôi vừa hát xong đã có người hỏi học trò của tôi: Thầy Kiên hát thật hay hát nhép? Làm sao tôi có thể hát nhép với cả trăm người như thế? Bây giờ người ta không còn tin tôi có thể hát ‘sống’. Tôi cũng muốn có tiền lắm chứ, đâu phải tiên thánh gì đâu… Nhưng tôi thôi không hát”, ông buông lời. Phía sau ánh đèn rực rỡ, phía sau tấm màn nhung sân khấu và cả phía sau những nụ cười của người nghệ sĩ vẫn có những phút giây giọt nước mắt lặng lẽ chảy ngược vào trong lòng.
Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên là giọng ca nam cao nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng với các bài hát nổi tiếng như:
- Đất nước trọn niềm vui
- Phất cờ nam tiến
- Cô lái tàu
- Tình ca
- Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn
- Chào sông Mã anh hùng
- Quà tháng năm dâng Người
- Bài ca Trường Sơn
Gia đình
Ông kết hôn với ca sĩ – giảng viên Nhạc viện Hà Nội, Thanh Nga, và có con trai là nhạc sĩ Quốc Trung. Hiện tại ông đang sống với người vợ thứ hai là Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân Trần Bạch Thu Hà.
Nguồn : Tổng hợp