Thông tin về nhạc sĩ Cao Việt Bách

Thông tin, tiểu sử nhạc sĩ Cao Việt Bách

Cao Việt Bách (10 tháng 10 năm 1940) là một nhạc sĩ sáng tác và nhạc trưởng Việt Nam. Ông được biết tới với hai ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên NgườiCung đàn mùa xuân.

Tiểu sử và sự nghiệp

Ông sinh tại thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình cách mạng. Cha ông là Tỉnh uỷ viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động từ những năm 1930, đã bị thực dân Pháp xử tử hình. Năm 1952, ông được chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Khi 13 tuổi, ông được đưa sang học ở Lư Sơn, rồi đến Quế Lâm (Trung Quốc). Năm 1954, ông học trường Thiếu nhi Việt Nam ở Moskva. Ngoài học văn hoá, ông tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc. Sau khi học hết phổ thông, năm 1959 ông vào học Khoa chỉ huy hợp xướng ở Nhạc viện Gnesin của Moskva. Ngoài ra ông còn học thêm cả lí luận và sáng tác.

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp loại ưu và trở về nước, ông tham gia chỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Năm 1969, ông chuyển sang chỉ huy dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi về hưu.

Với cương vị nhạc sĩ chỉ huy, ông có một cá tính chỉ huy rất riêng và rõ nét. Ông đã điều khiển nhiều dàn nhạc lớn trên sân khấu cũng như trên sóng phát thanh và trên màn ảnh nhỏ. Đáng kể nhất là nhạc kịch Phiđêliê do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng. Ông đã nhiều lần chỉ huy dàn nhạc đi biểu diễn tại nhiều nước như Liên Xô, Cuba, Indonesia, Campuchia… Ông còn chỉ huy nhiều dàn nhạc kèn. Trong liên hoan ca nhạc Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam do Bộ Văn hoá Thông tin, Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức vào năm 1994 tại Nhà hát lớn Hà Nội, ông là người chỉ huy dàn dựng hơn 1/3 trong chương trình gồm 80 ca khúc tiêu biểu. Đóng góp lớn nhất của ông là việc chỉ huy dàn nhạc của Đài và giới thiệu, dàn dựng các chương trình trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ nhân dân năm 2001.

Ngoài công việc chỉ huy, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều ở cả hai lĩnh vực: khí nhạc và thanh nhạc. Ở khí nhạc, ngoài tác phẩm viết cho piano và dàn nhạc Bức tranh người Việt cổ, ông chủ yếu viết nhạc cho múa, sân khấu và điện ảnh. Trong lĩnh vực điện ảnh, ngoài một số phim truyện, chủ yếu ông viết cho phim hoạt hình, với hơn 80 bộ phim như: Cây tre trăm đốt, Mèo và chuột, Cún con đi học, Sư tử và bầy chuột con, Ống bơ ven đường… Lĩnh vực thanh nhạc, ông có nhiều ca khúc như: Gửi Huế thành phố thép anh hùng, Mang hình Bác chúng ta lên đường, Vầng trán Bác Hồ, Cung đàn mùa xuân (thơ Lưu Trọng Lư), đặc biệt là ca khúc: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (thơ Đăng Trung). Ông còn viết một số ca khúc binh vận, kêu gọi người lính Việt Nam Cộng hoà như Thức tỉnh, Khi người chiến hữu, Hỏi người lính Cộng hoà… đã được dịch sang tiếng Anh, cùng một số ca khúc ca khúc thiếu nhi như Gặp bạn, Bé đi sơ tán, Bàn tay em, Hoa điểm 10, Em yêu mùa thu… Ông còn viết hợp xướng: Mảnh đất quê hương, Rộn ràng tiếng trống Đông Xuân, Mặt em là quê hương (Hợp xướng không nhạc đệm).

Cung đàn lay động mùa xuân
NSND Cao Việt Bách nhận lời tiếp chúng tôi không phải tại tư gia mà ở quán bia cỏ nằm nép bên đường xe lửa. Chiều cuối đông, đúng hẹn, chúng tôi đến. Trong bộ quần áo cũ kỹ, ông cùng mấy người bạn chạc tuổi lục tuần, cũng là những nghệ sĩ một thời vang bóng đang bên nhau nhâm nhi bia hơi với lạc luộc.
NSND Cao Việt Bách và học trò trong một buổi tập.
Người nhạc trưởng tài hoa, phong độ, từng xuất hiện trên các sân khấu tráng lệ trong và ngoài nước, chỉ huy cả trăm nhạc công, ca sĩ trình tấu những bản hợp xướng giao hưởng làm đắm say hàng triệu con tim mà cuộc sống đời thường thật là bình dị, thật là gần gũi.
Trong số những người bạn thường ngồi “bia cỏ” bên ông hôm nay còn có NSƯT Vũ Hà, một cộng tác viên thân thiết của Văn nghệ Công an. Vẫn phong cách của người nghệ sĩ chuyên dàn dựng các chương trình sân khấu truyền thanh cho nhà Đài, Vũ Hà mở đầu cuộc trò chuyện bằng vài lời dẫn. Rằng ông bạn nhạc sĩ họ Cao từng theo học khoa chỉ huy âm nhạc thuộc Nhạc viện Gnesimưkh Mátxcơva từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Với bản giao hưởng hợp xướng “Mảnh đất quê hương” do ông viết và chọn làm tác phẩm tốt nghiệp, rồi cũng chính ông được cầm đũa thủy tinh chỉ huy cho dàn nhạc gồm 120 ca sĩ và nhạc công người nước ngoài trình tấu tại sân khấu nhà hát lớn Mátxcơva, sinh viên Cao Việt Bách của Việt Nam được Hội đồng chấm thi của nhạc viện danh tiếng Liên Xô (cũ) xếp loại ưu và trao bằng đỏ.
Về nước, ông được biên chế vào Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương với vai trò Chỉ huy trưởng dàn nhạc. Những năm tháng ấy, ông cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên của đoàn trở thành sứ giả nghệ thuật của Việt Nam đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Nhưng từ năm 1968 mới thực sự là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Ông được điều về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN).
Hàng ngày, hàng giờ ông và đồng nghiệp nhà Đài được cập nhật những tin tức chiến sự nóng bỏng nhất của quân và dân khắp hai miền Nam Bắc tới tấp gửi về. Nhiều tác phẩm rừng rực lửa cháy của ông đã ra đời trong giai đoạn này. Nhưng trong giới âm nhạc nhận xét ca khúc đỉnh cao của Cao Việt Bách viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là ca khúc “Tiếng hát thành phố mang tên Người”…
Rồi Vũ Hà quay về phía NSND Cao Việt Bách:
– Bây giờ xin nhường lời cho chính tác giả tiếp tục câu chuyện với nhà báo về lịch sử ra đời của tác phẩm.
Ngay sau khi Vũ Hà nhắc đến tên ca khúc “Tiếng hát thành phố mang tên Người”, NSND Cao Việt Bách trở nên phấn chấn lạ thường. Thay vì câu trả lời, nhạc sĩ khả kính ngước nhìn lên bầu trời bao la, khe khẽ hát: “Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mơ đón Bác trở về…”
Giai điệu này, những câu hát này suốt hơn 30 năm qua thế hệ thanh niên sinh viên thời chống Mỹ chúng tôi đã thuộc lòng. Vậy mà giờ đây nghe chính tác giả hát lại vẫn thấy rạo rực khó tả. Sau khi đã để cho cảm xúc của mình bay bổng với giai điệu năm xưa, nhạc sĩ trở lại với câu chuyện mà Vũ Hà gợi ý.
…Đó là khoảnh khắc đặc biệt của mùa xuân năm 1975 lịch sử. Theo bước chân thần tốc của cánh quân giải phóng hàng chục nhạc sĩ đã gửi hàng trăm ca khúc về Đài Tiếng nói Việt Nam. Là chỉ huy dàn nhạc của Đài TNVN, ông là người có may mắn được lựa chọn, biên tập và dàn dựng những ca khúc ấy để tung lên sóng…
Có thể nói, những ca khúc ra đời trong thời điểm lịch sử ấy như đồng hành, như giục giã các đoàn quân thừa thắng xông lên, tiến nhanh về đích cuối cùng. Cho đến ngày 28/4, nghe tin 5 cánh quân đã đến cửa ngõ Sài Gòn, anh em văn nghệ nhà Đài hiểu rằng tin vui toàn thắng chỉ còn tính bằng giờ bằng phút.
Buổi chiều, sau khi dàn dựng, bá âm xong các ca khúc của đồng nghiệp, nhạc sĩ Cao Việt Bách về phòng riêng mở nắp cây đàn piano dành phút riêng tư cho tâm hồn nghệ sĩ của mình. Và lúc ấy trong tâm trí của ông chợt hiện lên hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Người như đang có mặt trong các đoàn quân. Người đang cùng đoàn quân chiến thắng trở về thành phố năm xưa. Thành phố có bến cảng Nhà Rồng, nơi Người bắt đầu cuộc ra đi tìm đường cứu nước.
Rồi một giai điệu rất đỗi tha thiết cùng với lời ca vang lên từ tâm khảm của ông. Ông lựa phím đàn và hối hả viết: “Từ thành phố này người đã ra đi/ Bao năm ước mơ đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân…”.
Viết xong đoạn này, ông ngồi lặng đi và lại nghĩ: Cuộc đời của ông, và rộng hơn là cuộc đời của hàng triệu con dân đất Việt có được như ngày hôm nay là nhờ công ơn trời biển của Bác. Chính Bác đã hóa thân cho ông – một đứa trẻ nghèo quanh năm mò cua bắt ốc kiếm sống trở thành người nhạc sĩ ít nhiều cũng đã thành danh. Lại nhớ, những kỷ niệm rất đỗi thân thương khi học tập ở xa Tổ quốc, ông và bè bạn đã được Bác đến thăm hỏi, động viên và căn dặn bao điều…
Vậy là trong niềm hân hoan của tin vui chiến thắng chen lẫn nỗi xúc động ngập tràn, những dòng ca từ của đoạn điệp khúc lại như hiển hiện:
“Thành phố Hồ Chí Minh, ngời ngời rực sáng tương lai/ Trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác…”
Cho đến bây giờ, ông cũng không thể tưởng tượng nổi vì sao một ca khúc thành công như thế mà chỉ được viết ra trong vẻn vẹn chừng hai mươi phút…
Đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 không thể nào quên ấy, cùng với niềm vui sướng tột cùng của quân và dân cả nước đón tin: Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, ca khúc “Tiếng hát thành phố mang tên Người” do ca sĩ Kiều Hưng và Thúy Hà thể hiện, qua sóng phát thanh Đài TNVN đã đến với mọi nhà, đến khắp mọi miền.
Những ngày sau đó, dàn hợp xướng của Đài TNVN mới có điều kiện dựng lại nhạc phẩm này. Dưới sự chỉ huy của chính Cao Việt Bách, 70 ca sĩ, 50 nhạc công đã đưa “Tiếng hát thành phố mang tên Người” đến với khán thính giả trong và ngoài nước những âm hưởng hùng tráng hơn và tha thiết hơn.
Có một kỷ niệm thật đẹp đối với nhạc sĩ Cao Việt Bách về ca khúc này. Ấy là vào mùa xuân năm 1977, tại sân khấu Nhà hát Lớn TP HCM, lần đầu tiên Dàn hợp xướng Đài TNVN tổ chức biểu diễn tác phẩm “Tiếng hát thành phố mang tên Người”.
Khi đứng trên bục chỉ huy, nhạc sĩ Cao Việt Bách vung đũa thủy tinh, dàn âm thanh nhạc cụ vang lên thì không chỉ các ca sĩ của dàn hợp xướng mà hàng trăm khán giả trong khán phòng cùng đồng thanh cất lên tiếng hát. Có lẽ những câu hát cùng niềm vui đất nước thống nhất đã thấm vào trái tim khối óc của người dân đất Việt suốt hai năm nên mọi người đều nhớ – Ông thoáng nghĩ vậy.
Và trong nỗi xúc động nghẹn ngào, nhạc sĩ xoay người về phía khán giả. Vẫn với chiếc đũa thủy tinh trong tay, hôm ấy ông trở thành người chỉ huy cho Dàn hợp xướng của Đài và cả hàng trăm “nghệ sĩ nhân dân” của cả khán phòng cùng thể hiện tác giả của mình…
Về ca khúc “Tiếng hát thành phố mang tên Người, nhạc sĩ Cao Việt Bách nói một cách hình ảnh rằng: Ông đã cắm được lá cờ chiến thắng bằng âm nhạc lên nóc Dinh Độc Lập cũng như 21 năm trước đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã cắm được lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ-cát bằng “Giải phóng Điện Biên”.
Ngoài ca khúc “Tiếng hát thành phố mang tên Người”, khi nhắc tới Cao Việt Bách, anh em trong giới âm nhạc còn nhắc tới các ca khúc “Cung đàn mùa xuân” và “Cung đàn đất nước” và họ xếp những bài hát đó vào danh mục “Những bài ca đi cùng năm tháng”.
Được hỏi về sự ra đời của “Cung đàn mùa xuân”, NSND Cao Việt Bách kể: Vào một ngày xuân năm 1981, tình cờ ông đọc được bài thơ của Lưu Trọng Lư trên báo Văn nghệ. Không chỉ đọc mà trái tim nhạy cảm của một nhạc sĩ lập tức đồng điệu ngay với hồn thơ thi sĩ, tác giả bài “Tiếng thu” nổi tiếng. Bất chợt, những giai điệu của một ca khúc theo những câu thơ giàu hình ảnh cứ thế hình thành.
Bắt đầu là: “Em ơi vút lên một tiếng đàn/ Kìa đàn đã so dây/ Cung đàn đã lựa phím…”. Tiếp đó là: “Tay anh bưng ngọn đèn/ Em che ngọn gió/ Anh nâng mầm trổ/ Em trút nắng vàng”. Và cuối cùng: “Đường vui nay bước thênh thang/ Tâm hồn lộng gió em ơi/ Xây đẹp mộng ước tương lai/ Em ơi vút lên một tiếng đàn”…
Theo mạch của bài thơ, những dòng âm thanh như tuôn ra và ông chỉ còn việc sửa chữa lại một vài câu, một số từ cho hợp với giai điệu…
“Cung đàn mùa xuân” bắt đầu đến với thính giả cả nước qua giọng hát của ca sĩ Ngọc Tân. Tiếp đó, nam ca sĩ Doãn Tần, nữ ca sĩ Hồng Phúc và gần đây ca sĩ trẻ Trọng Tấn đã rất thành công trong việc thể hiện ca khúc này. Theo nhạc sĩ Cao Việt Bách, “Cung đàn mùa xuân” không chỉ được công chúng, đặc biệt là giới trẻ mến mộ và nhờ có “nó” ông đã có được người bạn trăm năm tuyệt vời.
Một cô giáo trẻ đẹp dạy nhạc ở trường phổ thông cơ sở Hà Nội vì yêu “Cung đàn mùa xuân” rồi yêu luôn cả tác giả dẫu biết mình kém người yêu gần 20 tuổi. Mùa xuân năm 1982 kỷ niệm một năm ngày “Cung đàn mùa xuân” ra đời, vào tuổi 42 tác giả  của nó mới yên bề gia thất. Hai sáu năm đã trôi qua, mùa thu vừa rồi con gái của họ, họa sĩ đồ họa Cao Ngân Hà cũng đã bước lên xe hoa.
Trong ngày vui của con, trái tim thanh xuân trong NSND Cao Việt Bách lại trỗi dậy, thôi thúc ông bước lên sân khấu nhỏ. Nhìn về phía người vợ yêu của mình, bất chợt ông hát vang giai điệu ngày xưa: “Em ơi vút lên một tiếng đàn…”

Tác phẩm

Ca khúc

  • Ba lô con cóc
  • Bàn tay em
  • Bé đi sơ tán
  • Bình minh trên quê anh
  • Cung đàn mùa xuân (Tiếng đàn mùa xuân)
  • Đất quê em
  • Em yêu mùa thu
  • Gặp bạn
  • Hành khúc công nhân Việt Nam
  • Hoa điểm 10
  • Hỏi người lính Cộng hoà
  • Hồi nhớ mảnh đất quê hương
  • Khi người chiến hữu
  • Lá phiếu hậu phương
  • Leo núi
  • Lòng mẹ
  • Mang hình Bác chúng ta lên đường
  • Ngày mai chiến thắng Nam Lào
  • Thức tỉnh
  • Tiếng hát nhà sàn
  • Tiếng hát thợ xây
  • Tiếng hát từ thành phố mang tên Người
  • Tình ca đất nước
  • Trái tim Trung Quốc
  • Tuổi xuân theo Đảng
  • Vầng trán Bác Hồ

Khí nhạc và hợp xướng

  • Tác phẩm: Bức tranh người Việt cổ
  • Nhạc cho múa: Kỉ niệm Trường Sơn, Tiếng kêu từ nước Mĩ, Cánh chim xây tổ, Nhịp điệu rừng xanh, Tiếng đàn then, Tình yêu và biển cả…, thơ múa: Lòng mẹ, Lửa nguồn, Hẹn với Tây Nguyên, kịch múa Hồ Gươm, Mị Châu – Trọng Thuỷ.
  • Nhạc cho kịch: Con tôi cả, Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Bà mẹ và thanh gươm, Nỗi đau hạnh phúc, Người Hàm Rồng, Điểm hẹn tình yêu.
  • Nhạc cho phim truyện: Thần hoàng làng, Gặp may mắn
  • Nhạc cho phim hoạt hình: Cây tre trăm đốt, Mèo và chuột, Cún con đi học, Sư tử và bầy chuột con, Ống bơ ven đường
  • Hợp xướng: Mảnh đất quê hương, Rộn ràng tiếng trống Đông Xuân, Mặt em là quê hương (a capella).
Nguồn : Tổng hợp

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Cao Việt Bách sáng tác

Sheet nhạc

CUNG ĐÀN MÙA XUÂN

Sáng tác: Cao Việt Bách
  Em [Am] ơi vút lên một tiếng đàn Kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím ớ [C] ơ Đất [Am] nước mình xôn [C] xao mùa vui đang nở [G] rộ Bình [Am] minh chiến thắng reo [Em] ca, Xuân về non nước bao [C] la Mầm [Em] s...

TIẾNG HÁT TỪ THÀNH PHỐ MANG TÊN NGƯỜI

Sáng tác: Cao Việt Bách - Lời thơ: Đăng Trung
  Intro: [Dm] | [E] | [A] | [F] | [Bm] | [G] | [G] | [G7] | [C/E] Từ thành phố [Em] này Người đã ra [C] đi Bao năm ước [F] mong đón Bác trở [C] về Trong chiến dịch [F] này Bác đã cùng [G] về với những đoàn [C] quân...