Thông tin về nhạc sĩ Hoàng Phương

Thông tin, tiểu sử nhạc sĩ Hoàng Phương

Hoàng Phương (1943-2002) là một nhạc sĩ nổi tiếng với các sáng tác về tình yêu đôi lứa và quê hương Gò Công từ trước 1975 đến sau này. Ngoài ra ông còn nổi tiếng vì là nhạc sĩ viết nhạc vàng duy nhất có tác phẩm được lưu hành rộng rãi sau 30/4/1975.

Con đường âm nhạc

Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943 tại Gò Công. Tính cách hào sảng, mê đắm. Thưở nhỏ đã mê nhạc hơn học chữ.

Năm 1955, nhạc sĩ Lê Vinh về Gò Công mở lớp dạy nhạc. Hoàng Phương lúc đó mới 12 tuổi liền theo học violon với Lê Dinh. Cuối cùng do học chữ sa sút nên đã bỏ học chữ về nhà học nghề sửa đồng hồ của cha & học thêm guitar. Năm 1965, ông cưới người vợ đầu ở thị xã Gò Công.

Năm 1968, ông viết bản nhạc đầu tay cũng là bản nhạc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác là bài Hoa sứ nhà nàng do Chế Linh & Thanh Tuyền song ca lần đầu tiên. Lập tức, bài hát nổi tiếng trong giới mộ nhạc và được các hãng tranh nhau mua bản quyền thâu âm.

Sau 30/4/1975, ông mở lại tiệm sửa đồng hồ, tích cóp tiền để sau này mở 2 tiệm vàng là Kim Hoàng & Toàn Tân. Khoảng năm 1980, lại rộ lên Phong trào băng nhạc Gò Công gồm những bài của Hoàng Phương sáng tác do Bảo Yến hát.

Năm 1989, ông cưới người vợ thứ hai là Mộng Vân. Hai người cất một căn nhà lá nhỏ trên bãi biển Tân Thành và sống nhọc nhằn từ đó cho đến lúc Hoàng Phương mất vì bệnh ung thư gan (2002). Về cuối đời, Hoàng Phương suy sụp, hay uống rượu và một mình đi lang thang trên bãi biển.

Anh bị khuyết tật một bên chân từ bé nên bước đi hơi khập khiễng, nhưng không vì thế làm mất đi nét nghệ sĩ trời phú cho anh. Mới giải phóng, hầu hết mọi người đều ăn mặc giản dị, riêng anh lại luôn nổi bật trước đám đông, không thể lẫn với ai được: Mái tóc để dài, luôn diện chiếc áo dài tay màu chói hoặc có hoa văn, thơm phức mùi nước hoa và lúc nào áo cũng bỏ vô quần. Với cách ăn mặc như thế, có người sẽ cho là không hợp thời, là lập dị; có người lại cho là hợp với nét nghệ sĩ tính của anh. Riêng với tôi thì sao cũng được, anh “Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng… anh”. Mình sống vừa lòng với chính mình là tốt lắm rồi!

Anh học xong “đệ nhất cấp” (lớp 9) thì chuyển sang học nghề sửa đồng hồ của cha và sau đó học thêm nghề thợ bạc. Anh có tiếng và “phất” lên từ hai nghề này. Đồng thời, do có sẵn máu đam mê âm nhạc nên anh quyết tâm vừa tự học, vừa “tìm thầy học đạo”. Nhạc sĩ Lê Dinh, Trúc Phương, Châu Kỳ là những người thầy đầu tiên định hướng cho anh đi theo con đường sáng tác. Và nhạc phẩm đầu tay mới ra đời năm 1968: “Hoa sứ nhà em” đã gây tiếng vang, tạo đà cho những bài hát tiếp theo: “Anh về tình đẹp quê hương, Đàn thương cô quán trong làng, Anh Hai về làng, Tìm em quán Phượng…”.           

 Tiệm đồng hồ của anh chỉ vuông vức hơn mười mét vuông còn là nơi gặp gỡ với rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trước giải phóng. Mỗi lần về Gò Công, họ đều ghé thăm anh. Nhờ thế, tôi mới biết anh quan hệ rất rộng với giới nghệ sĩ và tôi mới có dịp được gặp và tiếp xúc với các nhạc sĩ, ca sĩ: Lê Dinh, Châu Kỳ, Trần Trịnh, Vinh Sử, Trần Thiện Thanh, Duy Khánh, Chế Linh… Trong tiệm luôn có sẵn cây guitar thùng. Lúc rảnh, anh lấy ra đàn hát, tuy chất giọng… không được hay nhưng bù lại rất biểu cảm. Có khi ngẫu hứng, anh lấy tập viết nhạc ra ghi vội vài giai điệu, đêm về sáng tác tiếp. Hôm sau đã thấy anh cất lên… tiếng hát với cung đàn một ca khúc mới.
 

Trong thời gian học nghề sửa đồng hồ với anh, thỉnh thoảng vào buổi trưa nắng vắng khách, chợt thèm canh chua cá phi chấm muối ớt ở quê, anh lại ngẫu hứng đóng cửa tiệm rủ tôi lên chiếc Yamaha dame màu xanh vượt 15 cây số về nhà cha mẹ ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành. Mỗi lần về thăm nhà, tôi thấy anh như được sống lại với tuổi thơ. Nơi đây, tôi được tận mắt chứng kiến tài bắt cá bằng tay không của anh. Đúng là có thấy mới tin: Anh mò dọc các hang quanh bờ ao, một lúc sau đã thấy anh đưa tay lên cao khoe một con cá vừa bắt được. Anh em chúng tôi câu thêm vài con cá phi, rồi đi hái rau thơm, bẻ bắp chuối đem vào nấu nồi canh chua “cây nhà lá vườn”. Nấu xong, mới bày cả xoong còn ngun ngút khói đặt trên chiếc chiếu đất trải dưới mái hiên. Bữa cơm đơn giản như thế mà lại thấy ấm cúng, thật ngon… Anh say sưa kể lại thời thơ ấu rất nên thơ của mình: Vào những trưa hè, nằm thao thức trên bộ ván gõ, ghiền nghe tiếng cu cườm gáy vang trên cành me, như lời anh nói: “Nghe thật là đã cái lỗ tai!”, giấc ngủ êm đềm đến lúc nào không hay. Hôm nào không ngủ được thì rủ thêm bạn đi hái trộm ổi, mãng cầu… Nổi hứng thì cả đám đạp xe ra biển tắm cho đến chiều mới về nhà. Lâu lâu, lại vác đôi cọc tre có giăng lưới sẵn đi bẫy chim ăn đêm ngoài bãi biển.

Tuổi thơ anh, ngày ngày được hít thở khí trời từ biển; được nghe tiếng sóng vỗ rì rào của biển; được mơ màng cùng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, cùng màu tím của hoa muống biển trong những lần lang thang, nô đùa cùng chúng bạn trên cồn bãi… Có lẽ từ những kỉ niệm khó quên đó đã nuôi lớn tâm hồn nghệ sĩ luôn chất chứa trong anh, tạo nguồn cảm hứng để anh có được những tác phẩm dạt dào tình biển rất riêng, rất hình tượng: Biển thức, Biển tím, Biển nắng, Chuyện tình hoa muống biển, Đi trên bãi biển Gò Công (phổ thơ Song Hoài), Nhớ biển Gò Công…


Hoàng Phương thời trẻ (người bên phải)

Cuộc đời anh đã trải qua đủ cả hai kiếp sống: Lúc giàu sang, anh có tiệm vàng, tiệm đồng hồ, xe hơi, vài căn nhà phố; khi nghèo khó, anh phải cùng vợ con sống trong mái nhà chật chội trống trước hở sau nằm ngay trước mảnh đất của cha mẹ anh. Nhưng bất hạnh ở chỗ, cái nghèo lại đến sau; nó bám riết anh hàng chục năm cho đến tận cuối đời. Phải nói, chính vì quá đam mê làm nghệ thuật và lại tiêu xài rộng rãi, phóng khoáng trong giao tiếp, đã làm tiêu tan tài sản, sự nghiệp mà anh gầy công tạo dựng. Thật trớ trêu, chính trong cảnh sống túng bấn, cùng khổ, cảm xúc của anh lại dạt dào, thăng hoa bên làn khói thuốc liên tục hút trên môi; trong men say chếnh choáng những tưởng để quên đời. Và cây đàn cũ kỹ, thiếu dây lại gắn bó cùng anh cho ra đời những bài hát hay: Thuyền giấy chiều mưa, Chung vầng trăng đợi, Nhớ biển Gò Công, Hương bâng khuâng (phổ thơ Trần Anh Tài), Hẹn em bên cửa sông Tiền…

Anh ít làm thơ, hình như phần lớn chất thơ đã trút hết vào lời hát. Anh chỉ có bài thơ “Biển Gò Công khi em đến” đăng trên tập san Văn nghệ Gò Công năm 1985. Chỉ duy nhất một bài nhưng lại là bài thơ hay:

Biển Gò Công khi em đến
Bầu trời xanh xanh hơn
Sóng mặn hôn bờ cát
Bỗng dưng cũng ngọt lành
Ơi ngày ta gặp gỡ
Chim trên cành mãng cầu
Gọi nhau mừng gặp quả
Anh vin cành tìm hái
Em thật thà ngăn lại
Nhường quả chín cho chim
Chim say quả, say trời
Líu lo lên tiếng hót
Trả ơn người, ơn đời
Biển Gò Công, em đến
Gió như gọi nắng lên
Dấu chân mềm trên cát
Như tình em lặng êm!  

*

Trở lại với “Băng nhạc Gò Công” ra đời năm 1985 của anh. Ngày ấy, có ba người chơi thân, gặp anh hàng ngày là anh Hai Sĩ bên Văn hóa thông tin, anh Ron bên Ủy ban và tôi nên chúng tôi luôn là những người đầu tiên được anh “khoe” một đôi bài mới đem từ TP.HCM về do nhạc sĩ Quốc Dũng soạn hòa âm phối khí, ca sĩ Bảo Yến, Nhã Phương trình bày. Thế là anh em lại rủ nhau đến nhà Năm Thiên ở “bến xe ngựa” cũ – nay là đường Lý Tự Trọng – để nhờ cái máy cassette hai băng của anh phát ra cho mọi người cùng thưởng thức. Thời này, cuộc sống còn khó khăn nên ít người có dàn máy hát rời. Người nào sắm được máy cassette hai băng bên phát bên thu đã là sang lắm.

“Băng nhạc Gò Công” cuối cùng cũng hoàn chỉnh sau nhiều tháng anh vất vả, bỏ công ăn việc làm đi đi về về giữa Thành phố với Gò Công suốt mấy tháng trời. Rồi bỗng vào một buổi tối, trước và sau giờ chiếu phim tại rạp hát Chiến Thắng, mọi người ngạc nhiên, thích thú khi được nghe tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của ca sĩ Bảo Yến và Nhã Phương phát ra từ chiếc loa trước rạp những giai điệu mượt mà viết về tình đất, tình người Gò Công. Sau đó, được phát trên Đài truyền thanh địa phương; rồi theo những chuyến xe miền Tây lan rất nhanh xuống tận Cà Mau; theo những chuyến xe Bắc – Nam vượt ngàn cây số ra tận biên giới phía Bắc. Địa danh Gò Công bỗng chốc được cả nước nhắc đến.

Nghe ca khúc "Hoa sứ nhà nàng" qua tiếng hát Quốc Đại:

 Phải nói vào thời điểm ấy, “Băng nhạc Gò Công” đã tạo nên một hiện tượng âm nhạc gây xôn xao dư luận nhiều nhất trong cả nước. Bắt đầu xuất hiện một số bài viết của giới phê bình lên tiếng khen chê trên vài tờ báo và có một số cuộc tranh luận trong cũng như ngoài giới văn nghệ về giá trị nghệ thuật của băng nhạc. Mặc cho dư luận săm soi “lời ra tiếng vào”, các bài hát của nhạc sĩ Hoàng Phương vẫn vang lên đến tận các ngõ xóm; từ quán cóc đến nhà hàng; từ trên xe hơi đến xe cà rem, kẹo kéo… đi đến đâu cũng nghe: “Đi qua cầu Cả Thu. Nhìn dòng sông bối rối. Rung rinh chùm hoa sứ. Bỗng nhớ em cuối trời…”, “Dưới nắng hồng, tôi đi giữa Gò Công. Đất như cao, trời như thấp lại…”. Là người dân Gò Công, mấy ai lại không vui, không xúc động khi nghe có người nhắc nhớ đến tên quê hương mình, hát nhạc quê hương mình!

Một điều quan trọng tôi muốn nêu lên trong bài viết này: Có một số bài hát của anh được phổ từ thơ, nhưng khi giới thiệu trên báo đài, hầu như tôi chỉ thấy tên nhạc sĩ Hoàng Phương. Đây là thiếu sót trầm trọng của người giới thiệu, biên tập; là một thiệt thòi rất lớn cho những người có thơ được anh phổ nhạc. Tôi xin dẫn chứng: “Hương bâng khuâng” của Trần Anh Tài, “Đôi mắt quê hương” của Hoa Sứ Đỏ, “Em gái ngủ” của Đại Triều, “Mẹ Gò Công” của Trần Thanh Thủy… Riêng bài “Đi trên bãi biển Gò Công” phổ thơ của Song Hoài. Trong “Băng nhạc Gò Công” trước đây, ca sĩ Bảo Yến hát chính xác lời thơ: “Một trưa hè trôi êm trôi êm, trên bãi biển Gò Công em bước…”, nhưng không hiểu tại sao sau này ai lại sửa tựa bài hát là: “Chiều hè trên bãi biển”. Và các ca sĩ đều hát sai tuy chỉ hai từ, nhưng lại làm hỏng ý nghĩa của bài thơ, không thể nào chấp nhận được: “Một trưa hè trôi êm trôi êm, trên bãi biển… chiều nao chung bước…”. Trời ơi, thời gian như có phép màu, đang “trưa” bỗng hóa thành “chiều”, nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Bài thơ tác giả chỉ tả có một em gái dạo bước trên bãi biển, bỗng biến thành hai mình (?!). “Chiều nao” làm sao được, nó mâu thuẫn với đoạn dưới khi nhà thơ tả: “…Nắng chói chang về làm rát bỏng bàn chân. Có phải chăng cát giận cát hờn, chẳng muốn nhận dấu chân em làm kỉ niệm…”. Buổi chiều thì làm gì có cái “nắng chói chang”. Vì thế, tôi mong các “ca sĩ” hãy hát đúng lời gốc bài hát phổ thơ ban đầu. Đừng vì muốn đại chúng hóa hay vì lý do nào khác mà sửa lời một cách vô nghĩa, vô ý thức như trên. Xin hãy trả lại hai tiếng Gò Công rất đỗi mến thương trở lại đúng vị trí ban đầu của nó. Có lẽ tác giả Song Hoài và nhạc sĩ Hoàng Phương sẽ rất hài lòng! 

Anh qua đời năm 2002, sau cơn bạo bệnh. Trước hôm anh mất, tôi và anh Hai Sĩ có vào bệnh viện thăm, thấy anh vẫn còn tỉnh táo. Anh nói anh thèm ăn miếng kẹo đậu phộng và uống ly cà phê sữa. Tôi nhìn hàm răng anh chỉ còn đôi ba cái xệu xạo bên gương mặt xanh tái mà rơm rớm nước mắt. Vậy mà không ngờ, hôm sau lại được tin anh mất…! Cuộc đời anh đa đoan chuyện tình cảm nên mang nhiều duyên nợ. Anh đã yên phận anh, chỉ tội cho vợ con anh ở lại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Dẫu chuyện đời tư của anh có lắm điều tiếng, nhưng về mặt văn hóa nghệ thuật, các sáng tác của anh để lại cho đời, cho quê hương thì rất đáng được chúng ta trân trọng!

“Cuối dòng sông Cửu Long. Trước mặt nhìn biển Đông. Bên cửa con sông Tiền. Quê tôi Gò Công…!”. (Gò Công hồng trang sử). Khi nghe những lời hát trên, có người con xa xứ nào không thấy chạnh lòng? Có ai mà không thương, không nhớ, không sớm hẹn ngày về…?!

Hy vọng một ngày thật gần, chúng ta sẽ được thưởng thức đêm nhạc Hoàng Phương ngay chính trên mảnh đất quê hương của anh. Chắc hẳn, dù đang ở tận suối vàng, anh cũng kịp trở về tình tự cùng “Biển thức…!”.

Nhận xét

  1. Nhiều người cho rằng Hoàng Phương là một con người lập dị vì anh để hay tóc dài, mặc áo màu đỏ quần màu kem, bước chân khập khiển do bị tật.
  2. Nhạc của Hoàng Phương hoàn toàn là viết về tình yêu đôi lứa trong sáng và tình yêu quê hương tha thiết. Có lẽ vì vậy mà sau 1975 nhạc của ông được chính quyền mới cho phép lưu hành rộng rãi.

Tác phẩm phổ thông

  • Anh hai về làng
  • Anh về đẹp tình quê hương
  • Ánh mắt quê hương
  • Biển tím
  • Cánh thư trời xa
  • Chung một dòng sông
  • Chuyến xe Tiền Giang
  • Chiều hè bãi biển
  • Chiều mưa thứ bảy
  • Chuyện tình hoa muống biển
  • Đàn thương cô quán trong làng
  • Hoa sứ nhà nàng 1 (tựa gốc Hoa sứ nhà em – viết cùng nhạc sĩ Hoài Nam)
  • Hoa sứ nhà nàng 2, 3
  • Hương hoa sứ
  • Hương sơ ri
  • Mẹ Gò Công
  • Mùa nhạn trắng
  • Sông quê tình nhớ
  • Thuyền giấy chiều mưa
  • Tình em quán Phượng (tặng người vợ đầu)
  • Trên ngọn tình sầu (viết cùng Phượng Vũ)
Theo wikipedia

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Hoàng Phương sáng tác

Nhịp: 3/4, tempo: 79 ===== [F/A] | [F] | [Am] | [G]-[C] | [Dm] | [F]-[F/A] | [G] | [F] | [G]-[Am]  1. Trăng [Em] sáng soi đêm [Am] rằm em còn tuổi mười [F] lăm Chưa lần nhớ thương ai [Dm] nhiều chỉ chờ tôi sang ghé [D] t...
Sáng tác: Hoàng Phương
HOA SỨ NHÀ NÀNG - Đan Nguyên Hợp âm dạo (Bolero): [Dm] | [G] | [A7] | [Dm] | [Gm] [A]-[Dm] | [F/A]-[Dm] | [Gm] | [G] | [A7] Đêm [F/A] đêm ngửi mùi [Dm] hương, mùi hoa sứ nhà [Gm] nàng Hương nồng hoa tình ái, đậm [Dm] đà...