Thông tin về nhạc sĩ Mặc Thế Nhân
Mặc Thế Nhân (sinh năm 1939) là một nhạc sĩ dòng nhạc trữ tình trước 1975.
Cuộc đời & sự nghiệp
Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1939 ở Gò Vấp, tỉnh Gia Định trong một gia đình tầng lớp trung lưu. Về bút danh Mặc Thế Nhân, ông lý giải có nghĩa là “Góp giọt mực cho đời” chứ không phải theo nghĩa đen như nhiều người nhầm tưởng. Ngoài ra ông còn có bút hiệu khác là Nhã Uyên.
Năm 13 tuổi, ông đã tham gia văn nghệ học đường.
Năm 17 tuổi, ông thọ giáo nhạc lý các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân tại Trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông Sài Gòn. Hai năm sau ra trường, ông gia nhập ban Hoa Niên. Ngoài ra ông còn cộng tác với ban nhạc Xuân Bình trình diễn nhạc trên đài truyền thanh.
Năm 1958, ông sáng tác ca khúc đầu tiên là bài Trăng quê hương và tiếp theo là bài Vui tàn ánh lửa năm 1959. Giai đoạn này ông đứng ra thành lập và điều khiển các ban văn nghệ thông tin Quận 1, Tổng hội Sinh viên Học sinh Đô thành, ban Luân Vũ để đi trình diễn lưu động cho chính quyền Sài Gòn. Bên cạnh đó ông còn là ký giả tân nhạc kịch trường cộng tác với nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Bình Dân với bút hiệu Mộng Thu, Giang Ái Sĩ. Ngoài ra ông còn thực hiện băng nhạc Nhã Ca và mở lớp nhạc tại Đakao.
Sự nghiệp sáng tác nhạc của ông tiêu biểu có nhiều bài phổ biến cho đến tận nay như Cho vừa lòng em, Em về với người, Mùa xuân cưới em…
Ông vui sống từ 1939 cho tới nay tại Việt Nam.
Thông tin khác
Bài Cho vừa lòng em nổi tiếng, lần xuất bản đầu tiên có tên là “Cho em vừa lòng” tuy được Mặc Thế Nhân giới thiệu là bài hát tâm đắc nhất của ông nhưng không được giới mộ nhạc chú ý. Mặc Thế Nhân đã nhờ nhạc sĩ Nhật Ngân sửa lời lại và ký tên là Phan Trần (tức Phan Công Thiệt và Trần Nhật Ngân). Ngoài ra có 2 bài nữa cũng ký tên Phan Trần là Một lần dang dở & Cho người vào cuộc chiến.
Bài Chuyện buồn tình yêu mà sau này ở hải ngoại để tên tác giả Mặc Thế Nhân thật ra là bài Chia ly của Đỗ Lễ.
Bài Ngày xuân vui cưới của ca sĩ Quốc Anh.
Bài Trả lại anh (Trả lại anh đêm dài chung đôi bóng dưới trăng sao…) thật ra là bài Trả Lại của Mạc Phong Linh – Dạ Cầm.
Sáng tác
- An phận
- Bài thơ vu quy (Nhã Uyên)
- Biển động
- Cánh bướm đa tình (Phan Trần)
- Chiều mưa anh đưa em về
- Cho một người đi xa
- Cho người vào cuộc chiến (Phan Trần)
- Cho vừa lòng em (Phan Trần)
- Điệu buồn của Thúy
- Đường trần còn ai đó không
- Đừng
- Giọt sầu (Nhã Uyên)
- Gọi đời
- Em đi trong chiều mưa
- Em về với người (Nhã Uyên)
- Giấc mơ tiên (Nhã Uyên)
- Giữa lòng thế kỷ (Mặc Thế Nhân & Bằng Giang)
- Hỏi bạn ngày xuân
- Khóm trúc lầu mây
- Lời ru của mẹ
- Một lần yêu một lần sầu
- Một lời cho em (Mặc Thế Nhân & Bảo Thu)
- Mùa hoa học trò
- Mùa xuân cưới em (1971)
- Người em hải đảo
- Nhìn đời
- Những ngày cắm trại
- Những ngày chiến cuộc
- Nếu có em
- Nụ xuân hồng
- Quê hương tìm giấc ngủ
- Rồi một ngày
- Ru em tròn giấc ngủ
- Say sóng
- Sầu đất tổ (1960)
- Sầu nhân thế (1960)
- Tàu neo bến lạ
- Tháng mấy trời mưa
- Thế hãy còn xa lắm (1960)
- Thủy thủ ca
- Thư về em gái Dạ Lan
- Thi sĩ với mùa thu
- Tiễn người ra khơi
- Tiếng vạc sầu đêm
- Tình tôi với người
- Tôi thương tiếng hát học trò (Mặc Thế Nhân & Bảo Thu)
- Tôi sinh nhầm thế kỷ
- Trăng quê hương (1958)
- Trả tôi về (1968)
- Trời cao cho cánh chim bay
- Tương tư (10 bài)
- Viết nửa đêm
- Vui tàn ánh lửa (1959)
- Vùng ngự trị
- Xả trại
- Xin em đừng hờn
- Xin trả tôi về
Nguồn : wikipedia.org