Thông tin về nhạc sĩ Trương Quang Tuấn

Tôi định viết về Trương-Quang-Tuấn nhiều lần, nhưng không có dịp. Có rất nhiều người biết anh. Chính vì thế đã làm tôi ngần-ngại mỗi lần định viết về anh. Ngày 16 tháng 08/2005, Nhạc-Sĩ Trương-Quang-Tuấn từ-giã cõi đời ở tuổi 54, để lại vợ con và khoảng 200 ca-khúc, trong đó có khoảng 60 ca-khúc đã phổ-biến, gồm nhạc trẻ và âm-hưởng dân-ca.

Tôi lục-tìm Wikipedia Mở nhưng không có anh. Anh chỉ xuất-hiện vài lần lẻ-tẻ trên Google rồi thôi, ngay một tấm ảnh của anh cũng không có. Tôi thấy ảnh của anh trên bàn thờ tại một căn nhà hẹp được vợ con anh thuê làm chỗ bán cơm (Tiệm Cơm Phát-Tài). Thế là hết. Giản-dị chỉ có thế. Cả đời anh nghèo khó. Anh sống như một người bình-thường, không quảng-cáo, không tiếng-tăm; xuề-xòa, dễ-dãi như tính-nết anh.

Năm 1993 tôi biết anh qua Nhà Văn-Hóa Quận 3. Tôi xin vào lớp “Bồi-Dưỡng” Sáng-Tác Nhạc do Nhà Văn-Hóa và Hội Âm-Nhạc Thành-Phố phối-hợp tổ-chức. Lớp học sắp khai-giảng. Tôi không hay biết gì cả. Tôi phải “năn-nỉ” Thầy Ngô-Huỳnh (Tác-Giả Lời Cuối Cho Anh), lúc đó làm Trưởng-Ban Tổ-Chức, mới vào học được. Vì là lớp “bồi-dưỡng”, nên để được thu-nhận vào lớp học, các “học-trò” phải có ít nhất năm bản nhạc đã sáng-tác. Tôi gặp thầy N.H. ở đâu đó (quên) gần lăng ông Bà Chiểu, đưa cho Thầy một cuốn nhạc mười lăm bài. Thầy nhìn tôi từ đầu xuống chân, và lẽ dĩ-nhiên, tôi rất hồi-hộp, chờ đợi. Tôi chỉ nhớ thầy đưa trả tôi tập nhạc, nói gọn lỏn “vô học đi.”

Thế là hôm sau tôi đi học. Cả khóa có khoảng hai mươi học viên, chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm có năm học viên. Tôi được xếp học chung với Trương-Quang-Tuấn, Lê-Phúc, và Ca-Sĩ Khắc-Dũng. Nhóm của tôi học với Thầy Trần-Anh. Trương-Quang-Tuấn ngồi phía sau tôi. Anh luôn lặng-lẽ theo dõi lời giảng, không nói chuyện với ai. Đến bài “Ngũ-Cung”, anh thích-thú và chú-ý đặc-biệt.

Một buổi chiều năm 1993, bỗng dưng anh đến nhà tôi. Sau khi dựng xong chiếc xe-đạp khung đàn-ông vào cổng, anh móc trong túi áo ra một bản nhạc, nhờ tôi bằng đàn keyboard, tìm nhịp của bản nhạc. Anh hát giọng miền Nam ồ-ề. Tôi vẫn còn giữ tập “Thu Vàng Kỷ Niệm” (theo một bản nhạc của Phạm-Đình-Quang) cho đến nay. Bài “Ngày Hai Mươi Tuổi” của Trần-Thanh-Nga và Nguyễn-Nhật-Ánh được xếp vào bài một, bài “Phố Nhỏ” của Trương-Quang-Tuấn và Vũ-Thủy Hoài-Trang xếp vào bài thứ 10. Vì “không giống ai”, bài “Bé Học Nhạc” của Hà-Thuyết in vào cuối tập. Cuối khóa, theo thông-lệ, mỗi học-viên phải nộp một bản nhạc. Thầy Trần-Anh bắt chúng tôi phải phổ từ thơ của Thi-sĩ mình chọn, chứ không được tự-do sáng-tác. Tôi về nhà, vội-vàng cắt những bài thơ trong báo, không cần biết hay dở, dán đầy vào cuốn sổ, ngày hôm sau mang cho Thầy xem trong khi không một ai có. Thầy gật-gù, nói với mọi người. “Phải như thế mới được.” Tôi được tiếng khen, phổng cả mũi. Thầy hỏi tôi chọn được bài nào chưa. Tôi nói đại. Thế là tôi “dính” với bài thơ Lời-Ru Cuối-Cùng của Nhà-Thơ Đặng thị Thanh-Hương. Bài này tôi nhờ Ca-Sĩ Ánh-Tuyết hát.Tôi đã iiên-lạc với Thanh-Hương. Hai anh em nói chuyện cũng tới mười lăm phút sau 18 năm tôi đi xa..

Sau khóa học, Trương-Quang-Tuấn và các bạn khác lao vào sáng-tác, còn Khắc-Dũng lại tiếp-tục con đường ca hát của mình. Có nhiều người thành-công. Nghe nói Trần-Thanh-Nga, Trương-Quang-Tuấn đã thành nhạc-sĩ thực-thụ, Lê-Phúc làm Giám-Đốc Nhà Văn-Hóa Quận Phú-Nhuận. Tôi vẫn “chẳng ra thứ gì” cả ở đất-nước này..

Cho đến trước ngày mất, Trương-Quang-Tuấn đã sáng-tác được khỏang 200 bản. Nói như người nào đó, Nhạc-Sĩ Trương-Quang-Tuấn mất đi là cả một sự mất-mát to-lớn đối với âm-nhạc Việt-Nam, bởi nếu có nhiều thời-gian dài rộng hơn, các sáng tác của ông sẽ không dừng lại quanh con số 200. Ông là một tác-giả có tốc-độ sáng-tác rất nhanh. Ông viết nhanh, nhưng không dễ-dãi như nhiều tác-giả khác.

Phần lớn các sáng-tác của Trương-Quang-Tuấn đều về quê-hương, về hương-đồng cỏ-nội, tình-yêu gái trai nơi thôn-giã như Ầu ơ…Lý Ru Con, Bẽ-Bàng Bướm Đậu MU-U, Như Lá Thu Phai, Thương Em Lý Nàng Ơi, Thương Em Lý Miệt-Vườn, Tự-Tình Nón Bài Thơ, Mưa Trên Phố Huế, Tình Đắng Khổ-Qua, Tóc Dài Em Bỏ Đi Đâu, Chim Sáo Tương-Tư, Hoài-Niệm Trắng…  

Tác-phẩm của Trương-Quang-Tuấn bị sử-dụng một cách vô tội vạ. Không bao giờ anh nhận được tiền tác-quyền từ những nhạc-phẩm do mình sáng-tác, ngoại-trừ những chiếc huy-chương bóng-láng .Anh đã sống một đời thật nghèo-khó cho đến tận khi phải từ-giã cõi-đời. Theo một số người hiểu chuyện, một số lớn tác-phẩm của Trương-Quang-Tuấn đã phải “bán-đứt” cho một nhạc-sĩ, rồi nhạc-sĩ này bán lại cho ca-sĩ, thực-hiện album. Nếu đúng thật như vậy, đời buồn quá và khốn-nạn quá, Tuấn ơi.

Trần-Thanh-Nga có cho tôi biết Trương-Quang-Tuấn mất khi vừa mới thành-công. Anh sẽ sống mãi trong lòng chúng-tôi.

Đến hôm nay, Trương-Quang-Tuấn đã mất được 9 năm. Tháng này có ngày giỗ Trương-Quang-Tuấn. Bài này xin thay một nén nhang thắp muộn trước hương-linh anh. Nếu tôi có điều gì sơ-suất, mong anh thứ-lỗi cho.

Hà-Việt-Hùng (https://langhue.org/)

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Trương Quang Tuấn sáng tác

Sheet nhạc

TÌNH TA LÝ QUA CẦU

Nhịp: 3/4, tempo: 109 ===== Intro: [F] | [F] | [Dm] | [Dm] | [Gm] | [C] | [F/A] | [Dm] | [G] | [A]   1. Anh ở bên đây [Dm] cầu hát lời thương [Bb] mến Em ở bên kia [Dm] cầu cuối bến chờ [Gm] mong Qua [C] cầu bài lý đong...

MÙA XUÂN HƯƠNG PHỐ

  Hợp âm dạo (Capo I.): [A] | [F#] | [E] [A] | [A] | [F#m] | [B] | [D] | [A] | [D] | [E] [A] Mượt mà tóc em từng [Bm] sợi nắng [Emaj7] Lụa là áo em ngày [A] mai vàng Rộn ràng phố xuân một [F#] ngày mới [E] Rạo rực d...
Sheet nhạc

DUYÊN TÌNH LÝ NGỰA Ô

DUYÊN TÌNH LÝ NGỰA Ô - Hương Lan Điệu: Chưa chọn Hợp âm dạo: [Gm] | [Fm] | [Gm] | [A] | [D] | [Fm] | [Gm] | [C] | [G] Hãy đợi anh [C] về ơi lý ngựa [G] ô Lóc cóc đường [C] xa quanh co nhịp xe thồ Tưởng [G] là cưỡi ngựa v...