Tâm sự Vũ Quốc Việt Cha Vũ Quốc Việt là nha sĩ tốt nghiệp từ thời Pháp, một thời nổi tiếng “mát tay” ở Phú Yên. Việt là con út trong gia đình. “Tôi yêu văn thơ, học giỏi văn và cứ mãi miên man về cái đẹp của sự lãng mạn là nhờ kho sách quí giá của cha” – Vũ Quốc Việt tâm sự. 15 tuổi, Việt (khi ấy là học sinh lớp 9 chuyên văn tỉnh Phú Yên) bị xe tông, hôn mê đến… hai tháng. Khi tỉnh dậy, việc học cũng lỡ làng và cuộc đời từ đó gập ghềnh. Năm 20 tuổi (1993), anh rời Phú Yên vào TP.HCM đu đưa cùng vài ba bộ quần áo trong chiếc balô sờn rách suốt ba ngày ba đêm, trên nhiều chặng xe đò khác nhau để tìm đến vùng đất lành… Nhờ tài đàn ca mà khi chân ướt chân ráo vào TP.HCM làm bồi bàn anh đã được mấy anh em trong ban nhạc đám cưới chiếu cố, cho đàn hát mỗi khi thiếu người. Từ cái sân khấu đám cưới nhỏ bé, anh được giới thiệu đàn cho những tụ điểm chuyên về ca hát hơn như sân khấu Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình, công viên Hoàng Văn Thụ, Rex, nhà hát Hòa Bình… Thời ấy, Việt thèm được đứng trên sân khấu như một ca sĩ thực thụ. Nhưng giọng ca chưa qua tập luyện, lại chẳng áo quần đẹp nên đành ngậm ngùi. Quyết không đầu hàng hoàn cảnh, ban đêm đi đàn hát luyện nghề, ban ngày làm đủ nghề từ phụ hồ, bồi bàn, sửa xe đến may gia công… kiếm tiền thực hiện ước mơ. Lăn lộn nhiều nên nhạc Vũ Quốc Việt mới “đời” và già vậy. Những ca khúc đẹp, giàu cảm xúc được đón nhận. Nhưng anh lại thấy buồn khi những ca khúc được khen ngợi của anh, giọng hát của anh không thể đến được với người bình dân, xóm lao động – nơi mà có thời gian dài anh đã tá túc. “Đó là lý do tôi thử viết những bài mà người ta cho là tầm phào. Tôi chủ động tìm tới Ưng Hoàng Phúc vì Phúc là “ông vua” của thể loại nhạc đó. Và đó là giai đoạn khó tả trong cuộc đời tôi: “nhạc nhảm” của Vũ Quốc Việt vang lên mọi ngõ ngách, có những nơi điện đèn hạn chế vẫn nghe người ta nghêu ngao Tâm sự hai người đàn ông. Trước đây người lao động ở các tỉnh chẳng mấy ai biết tôi, giờ thì nhiều người coi tôi như người thân… Mà chính những người lao động bần hàn đã dạy tôi nhiều điều nơi “lò luyện thép” Sài Gòn” – Vũ Quốc Việt bộc bạch. Những lối đi khác biệt “Tình ca lãng mạn mới là lối đi chính của tôi” – Vũ Quốc Việt nhấn mạnh khi giới thiệu album Tình ca số 2 (tháng 4-2007). Thính giả lại được nghe những gì dịu ngọt và trau chuốt nhất từ Tình em diệu kỳ, Vàng son một thuở yêu em, Bài tình ca số 2, Gọi em… Rồi cả những trong trẻo và rộn rã của Nhớ tên em Sài Gòn, Em đẹp nhất đêm nay. Năng khiếu và đam mê, những tháng ngày rèn mình ở các tụ điểm cùng tấm bằng sáng tác loại giỏi của Nhạc viện TP đã giúp Vũ Quốc Việt ngày càng vững bước hơn trong những album tự sáng tác và thể hiện. Album rock ballad đầu tay Như những phù vân tuy không “ăn thị trường” nhưng được giới chuyên môn đánh giá tốt. Album thứ hai Bình thường thôi vừa có tiếng lẫn “có miếng” khi thành hit và thu về hơn 100 triệu đồng. Album Tâm sự hai người đàn ông, song ca với Ưng Hoàng Phúc, dù bị báo chí “dập” tơi tả nhưng lại giúp Việt có được những trải nghiệm khác hơn cùng lượng fan mới rất nhiệt tình. Còn Tình ca số 2 lại như cú “lội ngược dòng” của Vũ Quốc Việt về lối cũ: tình ca lãng mạn thực tế. Ở lối cũ đó, Vũ Quốc Việt đã biết nâng tầm mình lên bằng cách tự hòa âm cho tất cả những ca khúc trong album. Nhưng ngay khi công chúng đang chào đón ngày Vũ Quốc Việt quay về với tình ca chính thống thì anh lại tung ra một album VCD rất “chợ”: Online cùng Michael Jackson (tháng 7-2007). Hình ảnh Vũ Quốc Việt trong vai trùm xã hội đen, song ca cùng Vang Quốc Hải (một ca sĩ trẻ anh vừa nhận làm “đệ tử”) có thể lại khiến nhiều người hết hồn. Vậy là Vũ Quốc Việt vẫn chưa thật sự muốn đi trên lối đi chính của mình. Anh vẫn còn muốn “thử lửa” với nhiều phong cách, chinh phục nhiều đối tượng khán giả nữa chăng, nhạc sĩ “hai mặt”?