Thông tin về nhạc sĩ Phượng Linh
Thông tin, tiểu sử nhạc sĩ Phượng Linh
Nhạc sĩ Phượng Linh tên thật là Nguyễn Văn Đông (sinh 1932), là một nhạc sĩ, quân nhân Việt Nam Cộng hòa nổi tiếng trước 1975. Một số bút danh khác của ông là Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử.
Cuộc đời binh nghiệp
Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại quận 1, Sài Gòn nhưng nguyên quán của ông ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh. Thuở bé, do điều kiện gia đình, ông học ở nhà dưới sự hướng dẫn của thầy học. Sau ông theo học bậc trung học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao.
Năm 1945, chính quyền Pháp đóng cửa trường Huỳnh Khương Ninh. Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu, khi đấy ông mới 14 tuổi.
Thời gian tại trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn sau, ông trở thành một thành viên của ban quân nhạc thiếu sinh quân, học cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”…
Sau khi tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, ông nhập ngũ chính thức vào Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1951, ông được cử theo học khóa 4 trường Võ bị Sĩ quan Vũng Tàu và tốt nghiệp thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy vào năm 1952. Năm sau, ông được cử đi học khóa huấn luyện “Ðại đội trưởng” tại trường Võ bị Ðà Lạt. Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa “Tiểu đoàn trưởng” tại trường chiến thuật Hà Nội. Ra trường, ông nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trọng pháo 553, trở thành Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia Việt Nam khi mới 24 tuổi.[2]
Sau Hiệp định Genève, 1954, ông chuyển vào Nam, phục vụ tại Phân khu Đồng Tháp Mười với chức vụ Trung úy Trưởng phòng Hành quân. Thời gian này, ông còn kiêm nhiệm chức Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu, dưới quyền Đại tá Nguyễn Văn Là, tham gia Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu 1956. Bấy giờ, tướng Dương Văn Minh là Tư lệnh chiến dịch, từng đến bắt tay ông tỏ lòng ngưỡng mộ. Bức ảnh chụp tướng Minh bắt tay ông đã được in trên trang nhất của báo Chiến sĩ Cộng hòa.[1] Ông thăng đến chức đại tá trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, Nguyễn Văn Đông bị bắt đi học tập cải tạo 10 năm và ngừng sáng tác từ đó. Hiện ông sống tại Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình.
Hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc
Nguyễn Văn Đông từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 30 tháng 4 năm 1975. Trong thập niên 1950, Nguyễn Văn Đông nổi tiếng khi là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.
Từ năm 1958, Nguyễn Văn Đông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc… Năm sau ông là trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc ở cấp quốc gia, đã huy tụ trên 40 đoàn văn nghệ đại diện cho cả miền Nam cùng tranh giải suốt 15 ngày đêm tại Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải âm nhạc quốc gia, một giải thường do Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân trao tặng.
Nguyễn Văn Đông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân… Hai cơ sở của ông cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở tuồng và cải lương. Chính Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Thái Thanh và ban Thăng Long – Sơn Ca 10, Lệ Thu – Sơn Ca 9, Phương Dung – Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh – Sơn Ca 6, Sơn Ca – Sơn Ca 8… và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.
Nhiều sáng tác của Nguyễn Văn Đông viết về chủ đề người lính miền Nam thời đó. Nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” đã từng gây cho ông nhiều khó khăn khi bị Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa ra quyết định cấm phổ biến vì lý do phản chiến vào năm 1961. “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” nổi tiếng qua tiếng hát của Hà Thanh nhưng thường bị nhầm với nhạc phẩm Khúc tình Kinh Kha của Phạm Duy. Hà Thanh cũng chính là ca sĩ trình bày thành công nhất các nhạc phẩm của ông.
Nguyễn Văn Đông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu“, “Thầm kín“, “Niềm đau dĩ vãng“, “Nhớ một chiều xuân“… Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…
Một số tác phẩm
Nguyễn Văn Đông
- Anh
- Anh trước, tôi sau
- Bà mẹ hai con
- Bài ca hạnh phúc
- Bến đò biên giới
- Bông hồng cài áo trắng[3]
- Chiều mưa biên giới
- Chúc tết (Đông Phương Tử)
- Chuyện tình hoa pensée
- Cuốn theo chiều gió
- Cung thương ngày cũ (đồng sáng tác với Mạnh Phát)
- Dáng xuân xưa
- Đêm buồn (đồng sáng tác với Lam Phương)
- Đêm thánh huy hoàng
- Đôi bờ thương nhớ
- Đồng Tháp duyên gì (ký bút hiệu Vì Dân và viết chung với Minh Kỳ)
- Hải ngoại thương ca
- Hiến dâng
- Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp
- Khúc xuân ca
- Lá thư người lính chiến
- Lời hứa ban đầu (Phương Hà)
- Màu xanh Noel (Phương Hà)
- Mấy dặm sơn khê
- Mùa sao sáng
- Ngày mai anh về
- Ngày vui pháo nhuộm đường
- Người tình yêu dấu
- Nguyện cầu trên bến ngàn năm
- Nếu có em bên anh
- Nhớ một chiều xuân
- Nhớ người viễn xứ (đồng sáng tác với Lâm Tuyền)
- Núi và gió
- Phiên gác đêm xuân
- Sắc hoa màu nhớ (Vì Dân)
- Thu hoài cảm
- Tình cố hương
- Tình đầu xót xa
- Trái tim Việt Nam
- Truông mây
- Về mái nhà xưa
- Vô thường
- Việt Nam hôm nay (Phương Hà)
- Xa người mình yêu (Phương Hà)
- Xin chúa thấu lòng con
Phượng Linh
- Bóng nhỏ giáo đường
- Cay đắng tình đời
- Chiếc bóng công viên
- Cô nữ sinh Gia Long
- Dạ sầu
- Đoàn chim cánh sắt (đồng sáng tác với Ngọc Sơn)
- Đom đóm
- Đoạn tuyệt
- Giáo đường chiều chủ nhật
- Khi đã yêu
- Lời giã biệt
- Nỗi buồn duyên kiếp
- Niềm đau dĩ vãng
- Thầm kín (Bẽ bàng)
- Thương muộn
- Thương về mùa đông biên giới
- Tình người ngoại đạo
- Xin đừng trách anh
Soạn lời Việt:
- Ave Maria (Franz Schubert)
- Đêm thánh vô cùng (“Stille Nacht” của Franz Xaver Gruber)
- Hồi chuông nửa đêm (“The One Horse Open Sleigh“, tức “Jingle Bells“, của James Pierpont)