Thông tin về ca sĩ Văn Vượng
Người ta nói về Văn Vượng đã nhiều, viết về ông cũng nhiều, thậm chí có hẳn một chương trình “Dành cho người hâm mộ” của VTV3 giới thiệu ông, nên rất khó viết về Văn Vượng hoặc nói về ông thêm lần nữa mà không vướng phải sự trùng lặp, nhưng nghệ sĩ Văn Vượng bảo: “Chẳng sao đâu, cuộc đời tôi nó vốn như vậy rồi”.
Ông Vượng (tôi vẫn thường gọi ông như vậy), sinh năm 1942, cầm tinh con ngựa. Theo các cụ, đây là cái số bay nhảy, tung tẩy và cuộc đời của Văn Vượng có lẽ sẽ như thế thật nếu ông không bị di chứng của căn bệnh đậu mùa cướp đi ánh sáng của đôi mắt.
Ông Vượng quê gốc ở Hải Dương, nhưng hình ảnh về quê hương chỉ còn thấp thoáng trong ký ức ông những vệt mờ mờ của tuổi lên bốn. Lớn hơn một chút là những tháng ngày theo mẹ tản cư khắp nơi trong bốn bề bom đạn nổ inh tai. Và rồi trong hoàn cảnh đó, ông đến với âm nhạc theo cái cách của riêng mình.
Từ chiếc âu đựng trầu bị mất nắp của mẹ, cậu bé Vượng lần mò chắp nối sợi dây cao su vào, kéo căng ra và gảy lên những tiếng bập bùng. Bốn năm sau, lần đầu tiên khi Văn Vượng chạm tay vào cây đàn băng-zô của Pháp sản xuất, chú ông đã phát hiện ra năng khiếu của cháu mình và hướng dẫn cho cậu cách học đàn guitar.
5 tháng liền, Vượng học hết cuốn giáo trình F.Caroly mà ngày nay sinh viên nhạc viện phải học trong vòng một năm, đổi lại, tay Vượng tê buốt, rướm máu. Ông Vượng vẫn còn nhớ như in cảm giác tê dại ở đầu các ngón tay. Mà kỳ lạ là trong suốt quãng thời gian ấy, Văn Vượng chỉ chơi đàn bằng cách nghe, nhớ rồi tập đánh lại thôi chứ chẳng qua trường lớp nào.
Năm Vượng 16 tuổi, Vượng mới biết đọc, biết viết những chữ cái đầu tiên bằng hệ thống chữ nổi brai dành cho người khiếm thị. Và cũng trong thời gian đó, tiếng đàn của Văn Vượng đã bắt đầu xuất hiện trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam với những “Cách một dòng sông”, “Hoàng hôn trên bãi biển” (tự sáng tác) nói về thời cuộc, về tâm hồn của những con người sống ở hai bên bờ sông Bến Hải trong thời gian chia cách.
Tiếp đó là chuyển soạn của những bản nhạc cổ điển nổi tiếng như “Thư gửi Êlydơ” (Bethoven), “Nhạc chiều” (Sube), “Phiên chợ Ba Tư” (Ambecatenbey)… Càng về sau này, tên tuổi và tiếng đàn của ông Vượng càng được dân ghiền guitar biết đến nhiều hơn khi ông đưa những “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Trường ca sông Lô” (Văn Cao), “Người ơi người ở đường về” (Dân ca quan họ)… “nhập hồn” một cách hoàn hảo vào tiếng đàn guitar.
Văn Vượng nhớ lại, ngay từ khi còn nhỏ, được anh trai chở đi chơi ngang qua Bờ Hồ, Vượng đã có ý định chuyển soạn “Người Hà Nội” sang guitar nhưng phải mãi đến năm 1975, Vượng mới thực hiện được. Giai điệu của bản nhạc ấy Vượng chỉ soạn và tập trong vòng một đêm để sáng hôm sau biểu diễn luôn trong buổi liên hoan ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (hồi đó ở 65 Nguyễn Du).
Sau khi bản nhạc kết thúc, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã rời ghế chủ tịch đoàn, lên sân khấu ôm chầm lấy Vượng, nắm tay ông đưa lên mắt mình, để Vượng biết rằng mình đang khóc. Còn với tác giả của “Trường ca sông Lô” thì Vượng lại được ngợi khen theo kiểu khác. “Văn Cao là người rất kiệm lời. Nghe 4 chương của “Trường ca sông Lô” xong ông chẳng nói năng gì, chỉ trầm ngâm, mân mê điếu thuốc lào.
Rít xong một hơi rất dài, ông ấy thở nhẹ: “Tớ không ngờ là cây đàn chỉ có 6 dây mà diễn tả được hết cung điệu của cả một dàn hợp xướng như vậy. Có điều… nên dùng pha thăng bảy thay vì pha thăng trưởng thì sẽ diễn tả được hết mọi ý hơn”, Văn Vượng nhớ lại.
Hơn 60 mùa thu đã đi qua cuộc đời, nếm trải bao nhiêu đắng cay, gian khổ nhưng khi tiếp xúc với Văn Vượng, chẳng ai nghĩ cuộc đời ông lại lắm thăng trầm đến như vậy. Đôi khi ngồi ngẫm lại, dường như đến ông Vượng cũng không tin rằng sao mình lại có đủ niềm tin và sức mạnh để vượt qua tất cả như thế.
Mãi đến năm 40 tuổi, Văn Vượng mới cưới vợ bởi người yêu ông, mến phục tài năng của ông không ít nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để vượt qua những rào cản xã hội và những khó khăn của cuộc sống để gắn bó với ông trọn đời. Giờ thì cuộc sống đã mỉm cười với ông, tiếng đàn, điệu nhạc đã mang đến cho ông những niềm vui to lớn.
Căn nhà nhỏ ở khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội) luôn tràn ngập tiếng cười, tiếng nói, tiếng đàn. Niềm hy vọng, an ủi lớn nhất của ông là cậu con trai nhỏ tuổi, chơi piano rất cừ nhờ thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc từ trong máu, giống hệt cha mình.
Bao nhiêu thế hệ học trò đã đến rồi đi qua cuộc đời ông, có người “thành danh”, có người chỉ vì mê tiếng đàn mà tìm đến; nhưng với họ, “ông Vượng” vẫn là một người thầy “đặc biệt” và đáng kính trọng. Trước kia, ông Vượng mong mỏi có được một CD guitar của riêng mình, nay ước nguyện đó đã trở thành sự thật.
Duy còn ước nguyện lớn nhất là “có cơ hội ra nước ngoài chữa mắt, để được nhìn mặt vợ con, gặp gỡ khán giả, những người bạn tri âm với tiếng đàn của mình” thì chưa thực hiện được. Hy vọng điều ấy sẽ đến với ông trong một ngày không xa.
Theo nhacso.net