Thông tin về nhạc sĩ Xuân Thủy

Năm 1983, khi vừa tròn 13 tuổi, Nguyễn Xuân Thủy nhập ngũ, trở thành Thiếu sinh quân và theo học chuyên ngành Violon tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). 7 năm học hệ sơ-trung, Xuân Thủy được trang bị những kiến thức cơ bản về âm nhạc và là học trò cưng của NGƯT Tạ Đôn. Thời gian trôi qua nhanh, tuổi thơ của cậu bé miền đất đầy nắng và gió gắn liền với những nốt nhạc và màu áo xanh. Vì thế, sau này, khi Xuân Thủy sáng tác âm nhạc, các tác phẩm của anh phần nhiều thiên về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Một ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng thường đi theo anh, như một hành trang, một lời nhắc nhớ Xuân Thủy luôn giữ tròn nhiệm vụ một người lính: “Một khẩu súng với cây đàn trên vai/ Người chiến sĩ từng hát bên chiến hào/ Từng lời hát nồng nàn thuốc súng, có sao đâu bầu trời cũng thế, cũng nồng nàn/ Vẫn cây đàn đen khói đạn bom, nay người lính mang theo về miền quê cũ/ Hát trong chiều no gió, hát cho đồng lúa chín, hát cho đầy hành trang người lính mãi hát…” (Ca khúc “Hành trang người lính hát”).

          Violon là một chuyên ngành khó cho nên các thầy cô rất khắt khe trong việc học viên muốn học thêm các nhạc cụ khác. Tuy nhiên, với tinh thần ham học, Xuân Thủy vẫn dành thời gian để tập luyện một số nhạc cụ khác, làm giàu kiến thức và kỹ năng cho bản thân. Những năm 1985-1986, Hà Nội “nở rộ” phong trào nhạc nhẹ. Theo xu hướng âm nhạc trong nước thời ấy, thầy Tạ Đôn và thầy Hồng Hải đã mạnh dạn “thổi bùng ngọn lửa” nhạc nhẹ tới học viên của mình. Một đội nghệ thuật được thành lập gồm có đủ “ban bệ” ca – múa – nhạc, trong đó Xuân Thủy đảm nhiệm chơi Guitar Bass. Đội nghệ thuật quy tụ nhiều tài năng nghệ thuật như: đội Nhạc có Trường An, Hồ Hữu Thái, Trường Sơn, Xuân Thủy; đội Ca có Mạnh Cường, Anh Phương, Vũ Hoàng; đội Múa có Hiền Trang, Hồng Hà, Minh Tâm, Khánh Trâm… đã luyện tập và đi biểu diễn tại nhiều đơn vị trong Quân đội, được nhiều chiến sĩ yêu mến. Quá trình tiếp xúc với nhạc nhẹ, Xuân Thủy bắt đầu đam mê sáng tác và phối khí. Hành trang người lính mang theo khi về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4 là lượng kiến thức không nhỏ và trái tim âm nhạc đầy nhiệt huyết. Dường như sự nghiệp học hành luôn theo đuổi anh, để rồi năm 1993, Xuân Thủy lại tiếp tục được Đoàn cử đi học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) dưới sự hướng dẫn của GS, TS, NSND Phạm Minh Khang.  

          … Đến Nhà giáo ưu tú

Khi còn học tại Nhạc viện Hà Nội, năm 1995, Xuân Thủy tham gia cộng tác giảng dạy tại khoa Âm nhạc – Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Nghề thầy bắt đầu từ đó. Là một học trò xuất sắc, khi tốt nghiệp đại học Sáng tác âm nhạc, cùng một lúc, hai ‘‘cánh cửa” tại Nhạc viện Hà Nội và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội mở rộng chào đón anh làm giảng viên. Một sự lựa chọn không mấy khó khăn khi trong trái tim người nghệ sĩ – chiến sĩ ấy đã thấm đẫm tình yêu “Bộ đội Cụ Hồ”. Anh nói: “Tôi mang ơn Quân đội, những gì tôi có được ngày hôm nay là nhờ Quân đội nuôi nấng, dạy dỗ và rèn luyện. Vì thế tôi quyết định gắn bó cuộc đời với ngôi trường nghệ thuật quân đội”. Năm 2001, anh được Nhà trường nhận về làm giảng viên khoa Âm nhạc. Vậy là như một cơ duyên tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, thầy giáo Xuân Thủy đảm nhiệm giảng dạy hai bộ môn Sáng tác âm nhạc và Hòa tấu dàn nhạc. Lớp lớp thế hệ học trò của anh khi ra trường đều trở thành “cây” sáng tác vững, được lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi yêu cầu chuyên môn cao, như Nguyễn Tuấn Khanh (Đoàn Văn công Quân khu 9), Phi Ưng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum), Đoàn Nguyên Hiếu (Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội), Lê Đặng Bảo Anh (Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân) và nhiều nghệ sĩ khác. Trong thời gian này, anh đã được đi nhiều nơi như Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa… để sáng tác, dàn dựng, trải nghiệm và tích lũy vốn sống quý báu, làm giàu tri thức để sau này anh vững vàng hơn trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Là một người thầy tâm huyết, nhạc sĩ Xuân Thủy luôn đề cao, bám sát quan điểm, định hướng đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là “Dạy cái quân đội, xã hội cần”. Đặc biệt, đối với học viên sáng tác âm nhạc, yêu cầu khi ra trường phải có đầy đủ kiến thức vững chắc để hòa nhập ngay với đơn vị, xã hội. Thầy giáo Xuân Thủy luôn tôn trọng khả năng của học viên, động viên, khuyến khích các em phát huy thế mạnh. Ví dụ học viên có khả năng thiên về sáng tác khí nhạc thì thầy chú trọng về khí nhạc; học viên nào có khả năng về viết ca khúc thì thầy đẩy mạnh khả năng ấy. Vì thế, với từng học trò, thầy giáo Xuân Thủy hiểu rõ từng tính cách, cá tính, mặt mạnh, yếu. Đó là bí quyết để thầy giảng dạy đạt hiệu quả cao. Với đặc thù trường quân đội, thời gian đào tạo chuyên ngành Sáng tác âm nhạc so với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có rút gọn hơn nên trong quá trình giảng dạy, thầy Xuân Thủy rất chú trọng vào việc trang bị kiến thức đầy đủ cho học trò; kiến thức có tính định hướng, không rơi vào dàn trải, đặc biệt là dạy người, dạy trách nhiệm. Thầy giáo Xuân Thủy tự tin khẳng định rằng những khóa học viên Sáng tác của Nhà trường khi tốt nghiệp đều có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu của cơ quan, đơn vị công tác. Anh chia sẻ: “Là thầy, không có gì vui hơn khi thấy học trò của mình thành công và hơn nữa là sống được bằng nghề sáng tác”.

Trong giảng dạy, anh rất thích quan điểm của một giảng viên người Pháp gốc Việt là nhạc sĩ Tôn Thất Tiết: “ Đối với Sáng tác, không nên dùng từ “dạy” mà nên là “hướng dẫn”,người thầy gợi mở con đường đi, cách đi cho học trò sáng tạo hay, hiệu quả”. Đồng tình với quan điểm này, trong quá trình giảng dạy, nhạc sĩ Xuân Thủy luôn đóng vai trò là người hướng dẫn tận tâm để học trò phát huy được tốt nhất khả năng sáng tạo. Một tác phẩm được sáng tạo phải xuất phát từ một trái tim nhân văn, biết rung cảm trước cuộc sống, có được thông điệp của tác giả đến cho khán giả yêu nhạc, đó chính là “đích” sáng tác anh muốn học trò của mình phải “chinh phục” được.

Cũng là dễ hiểu bởi trong các sáng tác của nhạc sĩ Xuân Thủy, người nghe đều cảm nhận được tình yêu thương con người, tình đồng chí, đồng đội và những thông điệp cuộc sống đẹp đẽ. Mỗi sáng tác của anh dù là về đề tài chiến tranh cách mạng, quê hương, đất nước hay tình yêu cũng đều là các tác phẩm có thông điệp và chất chứa xúc cảm mãnh liệt. Là người con miền Trung anh hùng, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận để nhạc sĩ Xuân Thủy viết lên những thanh âm đẹp đẽ, bày tỏ sự kính trọng, tình yêu đối với một vĩ nhân của dân tộc, như ca khúc: “Về thăm quê Bác” (Giải A Hội diễn Làng Sen của TP Vinh, Nghệ An, năm 1992), “Việt Bắc nhớ làng Sen” (Bằng khen của Tổng cục Chính trị năm 2013), “Nhớ Bác” (Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014)…

Khoác trên mình màu xanh áo lính đã hơn 30 năm, các sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng cũng là một mảng mạnh trong hành trang người lính như: ca khúc “Hành trang người lính hát” (Giải C Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật – Báo chí (1999-2004) Bộ Quốc phòng), “Chiến sĩ khỏe” (Giải tư Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2004), “Bước chân người lính” (Giải B Liên hoan đơn ca và ban nhạc do Tổng cục Chính trị tổ chức năm 2000), “Khát vọng bầu trời”, “Lính trẻ trên quê hương Bác”, “Lính nhà giàn”, “Đến với Trường Sa”, “Phố đảo”… Là người đa cảm, trái tim của người nhạc sĩ quân đội luôn rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, cuộc sống và con người. Những ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng đã trở nên thân quen với khán giả như: “Hạ Long thần tiên”, “Cửa Lò biển hẹn”, “Những lời nhân ái”, “Lời con muốn nói”, “Vậy thôi”, “Em-Mùa xuân”… Bên cạnh sáng tác ca khúc, anh còn thành công trong lĩnh vực sáng tác Khí nhạc và Nhạc cho múa. Một số tác phẩm khí nhạc như: Ballad “Chuyện tình Mỵ Châu” viết cho dàn nhạc giao hưởng; Tứ tấu đàn dây; Tam tấu bộ Gỗ; Sonate cho Piano; Hòa tấu dàn nhạc “Mặt đất và bầu trời”; Nhạc cho thơ múa “Nguồn sáng”; Nhạc cho múa “Bà mẹ Vân Kiều”, “Bà Then”, “Con đường huyền thoại”… đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các Hội diễn toàn quốc, toàn quân.

Trên cương vị người lãnh đạo, quản lý, cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Thượng tá Nguyễn Xuân Thủy luôn xác định tiếp tục xây dựng, phát triển Nhà trường với mục tiêu “đào tạo cái quân đội, xã hội cần”; đào tạo cán bộ, diễn viên văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao cho quân đội. Thượng tá Nguyễn Xuân Thủy xác định: Một trường đại học phải có 2 “chân” vững chãi là Đào tạo và Nghiên cứu khoa học. Đặc thù là trường nghệ thuật nên “chân” thứ 3 không kém phần quan trọng là Thực hành biểu diễn bởi đây là cơ sở để học viên sớm được tiếp cận thực tiễn, sau khi tốt nghiệp sẽ hòa nhập nhanh chóng với đời sống văn hóa nghệ thuật của các đơn vị và xã hội. Vì thế, trong lĩnh vực được giao phụ trách, nhạc sĩ Xuân Thủy chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong toàn trường, đưa công tác thực hành biểu diễn đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng được nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho Nhà trường.

Vừa qua, Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ XIII năm 2014. Đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng giành cho một nhà giáo đầy tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ mà còn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để nhạc sĩ Xuân Thủy tiếp tục “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Thượng tá, nhạc sĩ, NGƯT Nguyễn Xuân Thủy nói trong niềm xúc động: “Tôi xin cám ơn Quân đội, các thầy cô, đồng chí, đồng nghiệp của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, khoa Âm nhạc, Phòng Khoa học Quân sự đã cho tôi niềm vui này. Tôi luôn xác định phải hoàn thành tốt công tác quản lý vì đó là nhiệm vụ cao cả của mỗi cán bộ khi được cấp trên tin tưởng, giao trọng trách. Bên cạnh đó, nghề làm thầy và nghề sáng tác đã trở thành nghiệp, thành duyên rồi. Trong thâm tâm tôi luôn nguyện suốt đời này giành trọn tình yêu cho nghề cao quý đó”.     

Bài và ảnh: HÀ ANH từ https://www.vnq.edu.vn

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Xuân Thủy sáng tác

TRĂNG NƯỚC MỘNG MƠ

Sáng tác: Xuân Thủy
Hợp âm dạo (Thanh Thanh Hiền): [Gm] | [Bb] | [Am] | [Am] | [Dm] | [Dm] [Gm] | [Bb] | [Am] | [Gm] | [C] | [F] Trăng nước mộng [Dm] mơ, Đất [Bb] thần kinh [C] dệt ngàn [F] thơ [F] Đò sang bến mong ước nguyện ngày [Bb] về Đ...