Thông tin về nhạc sĩ Nguyễn Quốc Việt
Những người con xa xứ, xa mẹ hiền… khi nghe các ca từ dung dị, mộc mạc mà sâu sắc của ca khúc Mẹ là quê hương sẽ thấm thía nỗi nhớ nhung, xa cách. Ra đời đã 20 năm, người thuộc lòng ca khúc này thì không đếm xuể nhưng ít ai biết “cha đẻ” của nó chính là nhạc sĩ Nguyễn Quốc Việt.
PV: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Quốc Việt, ca khúc Mẹ là quê hương ra đời trong hoàn cảnh nào? Có phải vì anh đã trải qua tháng ngày thơ ấu thiếu thốn tình thương của mẹ nên ca từ đầy cảm xúc, dễ đi vào lòng người?
– Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Việt: Bạn nói gần đúng, ca khúc này tôi sáng tác năm 28 tuổi (nay tôi 48 tuổi). Lúc tôi còn bé, cha đi lấy vợ khác, thời gian sau, mẹ định cư ở nước ngoài. Mỗi khi đêm về, tôi cảm thấy trống trải, nhớ mẹ vô cùng. Cảm xúc về mẹ dâng trào, tôi viết lời ca khúc chỉ trong vòng một đêm. Đó là tất cả tình yêu thương, tôi muốn thổ lộ, nhắn gửi đến mẹ. Tôi cảm ơn những người đã thể hiện thành công ca khúc này. Đó chính là thế hệ học trò đầu tiên của nhạc sĩ Trần Thiết Hùng. Nhưng có thể nói, ca khúc Mẹ là quê hương đi vào lòng người và được đông đảo công chúng biết đến qua tiếng hát ngọt ngào, sâu lắng của Mộng Thi – cô ca sĩ 15 tuổi lúc bấy giờ.
Anh bước chân vào con đường âm nhạc từ khi nào?
– Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu viết nhạc, 15 tuổi đã viết được hợp xướng. Có người bảo tôi là thần đồng âm nhạc (cười). Năm 1978, khi mới vào học Trường Văn hóa Nghệ thuật, tôi đã đạt giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc “Ngày môi trường thế giới” khu vực Đông Nam Á dành cho nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên. (Ở cuộc thi này, nhạc sĩ Vân Dung đạt giải nhất, nhạc sĩ Thế Bảo đạt giải khuyến khích). Năm 26 tuổi, tôi đi dạy nhạc cho trẻ khuyết tật ở Trường Mầm non 5, Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, các trại trẻ mồ côi trong và ngoài thành phố…
Được biết, ngoài việc sáng tác nhạc, anh còn “lấn sân” sang viết ca kịch?
– Trẻ con ngày nay tiếp cận với nhiều luồng văn hóa khác nhau mà bản thân chưa ý thức được ranh giới giữa cái tốt và cái xấu. Để góp phần vào việc giáo dục trẻ, tôi đã viết vở ca kịch Chú bé lười nhưng đến nay vẫn còn nằm trong ngăn kéo vì không có kinh phí dàn dựng. Vở kịch có tính giáo dục cao.
Anh có thể bật mí nội dung của vở ca kịch này?
– Tôi dùng hình tượng hai chiếc đồng hồ để xây dựng nên các tuyến nhân vật. Đồng hồ đen tượng trưng cho mặt xấu của xã hội như mê cờ bạc, nghiện thuốc lá, game… Đồng hồ trắng đại diện cho mặt tốt của xã hội như học giỏi, siêng năng, biết vâng lời, đi học đều đặn… Nhân vật dẫn dắt câu chuyện là một chú bé lười. Một hôm trên đường đi học, do lười nhát, chú bé nằm bên đường ngủ và mơ một giấc mơ hoang đường. Chú bé mơ thấy có hai chiếc đồng hồ đang gọi mình đi theo. Khổ thay, chú bé lại đi theo đồng hồ đen, đồng hồ trắng đành bất lực trước quyết định này. Cuối cùng, vì mải mê theo các phần tử xấu nên chú bé đã biến thành hình hài của một ông cụ tóc bạc, lưng còng… Đại diện cho ngành giáo dục, tôi đã xây dựng nhân vật khác là quyển tập đi tìm chú bé lười. Tôi muốn các bạn trẻ thấy rằng, trong mỗi con người có một ý chí và sức mạnh phi thường, chú bé phải tự mình thoát khỏi cám dỗ và tỉnh cơn mê. Tôi mong rằng vở kịch được dàn dựng và đưa vào học đường để giáo dục học sinh.
Hơn 10 năm nay, cái tên Nguyễn Quốc Việt hơi im tiếng trong làng nhạc mà được nhắc đến nhiều trong giới kỹ thuật. Nổi tiếng với biệt danh “vua cờ”, anh có thể giải thích về tên gọi ấy?
– Tôi vẫn âm thầm viết nhạc đấy chứ. Sau Mẹ là quê hương, tôi còn sáng tác nhiều bài khác như Lý nhớ thương, Ông già Noel vui tính và gần đây nhất là Nồng nàn Valentine (phổ thơ Ngọc Hân). Bên cạnh đó, tôi còn dạy Yoga miễn phí cho các cụ vừa viết sách dạy con và làm kinh tế… Tôi cũng chính là tác giả của 14 bộ cờ được đăng ký bản quyền như Cờ Hugo cưỡi đà điểu, cờ Vệ Quốc, Cờ lấn, cờ Em tập kinh doanh (biến thể của cờ tỷ phú), lô tô dành cho em bé… đạt giải cao trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc Vifotec. Ngoài ra, tôi còn là tác giả của bộ trò chơi ghép chữ tiếng Việt và tiếng Anh…
Xin cảm ơn anh!
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri