Thông tin về nhạc sĩ Hoàng Lang

Nhạc sĩ Hoàng Lang, tên thật là Phạm Phúc Hiển, sinh năm 1930 tại Hóc Môn, Gia Định, nguyên là giáo sư phụ trách môn âm nhạc tại truờng Trung học Pétrus Ký từ năm 1956, trưởng ban nhạc đàn giây Hoàng Lang của Đài Phát thanh Saigon từ năm 1954 đến năm 1972. Năm 1972, ngưng mọi công việc ở Saigon, anh xuất ngoại sang Thụy Sĩ để bổ túc và cải tiến nghề nghiệp trong lãnh vực âm nhạc nhưng vì biến cố 1975, anh định cư luôn tại Thụy Sĩ cho đến nay. Ở Thụy Sĩ, Hoàng Lang cũng dành phần còn lại của đời mình cho âm nhạc và giáo dục.

Từ năm 1976, Hoàng Lang bắt đầu phụ trách môn nhạc cho một trường Trung học tư thục tại Genève. Anh cũng mở lớp dạy tây ban cầm tại tư gia. Một số nhạc sinh của anh đã thành tài và thành lập những ban nhạc trẻ nổi tiếng, trình diễn và thu băng tại Thụy Sĩ và vùng biên giới Pháp. Ngoài ra, Hoàng Lang còn làm nghề dịch và chứng thực những tài liệu về hộ tịch, pháp lý hoặc khế ước thương mãi, xin con nuôi…

Nhạc sĩ Hoàng Lang viết hơn 150 nhạc phẩm, có bài anh tự viết lời ca lấy và một số bài với phần phụ soạn lời ca của những môn đệ anh thuở đó như Lam Phương, Văn Trí, Thùy Linh, Trương văn Tuyên, Dương Quang Định v.v… Những nhạc phẩm của Hoàng Lang được phổ biến rộng rãi vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 qua làn sóng của các đài phát thanh Saigon và đài Quân Đội bởi những tiếng hát nổi tiếng thời đó như Minh Trang, Thái Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Mai Hương, những ca sĩ có giọng ca rất thích hợp với những sáng tác của anh. Hoàng Lang là một một người nhiều tình cảm, do đó mà bạn bè của anh cũng rất nhiều. Anh tâm sự: «Tôi rất thích hợp soạn với những bạn bè, thân hữu văn nghệ sĩ với mục tiêu chính là để lưu niệm những phút vui buồn bên nhau». Vì vậy, anh đã viết chung với nhà văn Ngọc Linh bài «Đôi mắt người xưa», với nhà văn Thanh Nam bài «Người ơi hát làm chi», với nhà thơ Huy Trâm bài «Mây trôi, lòng giạt mãi đâu», với nhà thơ Vương Đức Lệ bài «Thiên thu», với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh bài «Đồng nội đêm trăng», với Trương văn Tuyên bài «Đợi chờ», với nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà, anh viết nhạc đệm cho tuồng cải lương «Người đẹp Bình Dương».

Một trong những nhà thơ mà Hoàng Lang ngưỡng mộ là Nhất Tuấn với thi tập «Chuyện chúng mình» cho nên anh là người phổ nhạc nhiều thơ của Nhất Tuấn so với số các nhạc sĩ khác cũng có phổ thơ của nhất Tuấn như Anh Bằng, Song Ngọc, Trần Thiện Thanh v.v… Do đó, chúng ta có «Tiếng hát đồi sim», «Hoa học trò», Bao giờ anh quên»… những bài thơ trích từ «Chuyện chúng mình» của Nhất Tuấn mà chúng ta không bao giờ quên qua những tiếng ca dính liền với bài hát thời đó như Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương v.v… Ngoài những sáng tác tình cảm như «Câu hát tââm tình» mà Hoàng Lang viết năm 1953 để ghi lại mối tình đầu tiên dang dở, «Dạ khúc hoài cảm» để kỷ niệm hôn lễ của anh vào năm 1958, «Em từ đâu đến» và «Tha thiết» để đánh dấu một tình yêu đến muộn nhưng cũng là mối tình tâm đầu ý hợp nhất của anh, Hoàng Lang còn viết nhiều ca khúc về quê hương như «Miền quê tôi»:

«Ai về quê tôi, qua đồng lúa xanh
Qua dòng sông sâu lơ thơ hàng cau
Quê tôi êm đềm vui sống quanh năm
Những mái tranh nghèo san sát nhau…»

Ngoài bài «Miền quê tôi» trên đây mà chúng ta thường nghe, còn những bài khác như «Tình đất», «Nắng thôn chiều», «Bên dòng Đồng Nai», «Quê tôi miền Cái Sắn», «Mùa lúa mới», «Gặt lúa», «Trăng miền quê ngoại»v.v… Một ca khúc của Hoàng Lang, được viết năm 1962, với lời ca của Văn Trí là một bài hát mà mọi người không thể quên được, nổi tiếng và thịnh hành vào những năm 1966-1968, thường được trình bày qua tiếng hát Thanh Thúy trên làn sóng phát thanh của Đài Saigon:

«Mùa thu năm ấy trên đường đến miền Cao Nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên, thác ngàn nước bạc thiên nhiên
Chạnh lòng tôi thấy lá vàng rơi nhẹ say mơ
Trong rừng thu đẹp nên thơ, lưng trời đàn chim bơ vơ…».

Nằm trong những ca khúc được phổ thông nhất của Hoàng Lang, chúng ta phải kể bài «Hoa học trò» (1969), thơ của Nhất Tuấn, Hoàng Lang phổ nhạc, được thu thanh vào đĩa qua tiếng hát Nhật Trường, một bài hát trong số những bài được thính giả yêu cầu nhiều nhất trong chương trình nhạc yêu cầu của đài vào ngày chủ nhật và cũng là một bài thơ mà Nhất Tuấn rất thích qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Hoàng Lang:

Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ anh rủ em ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung…

Khi định cư ở Thụy Sĩ, Hoàng Lang có in một tuyển tập nhạc của anh có tên là «Nhạc tâm tình Hoàng Lang» gồm có 25 bài vừa cũ, vừa mới, với phần «vào đề» của nhà thơ Mai Trung Tĩnh và phần «lời tựa» của chính tác giả như sau: «Tôi sinh năm 1930. Tôi viết nhạc từ năm 16 tuổi. Nhạc phẩm của tôi là những bức tranh âm thanh trung thực, được sáng tạo bởi chính ánh mắt của tâm hồn tôi và qua nhịp thở của con tim tôi. Kỷ niệm tiếp nối và nối tiếp. Xin cảm tạ những người «đã yêu tôi» và những người «tôi đang yêu» đã ban cho tôi nguồn nhạc hứng mênh mông, vô tận. Xin cảm tạ những giọng hát đã trình bày nhạc phẩm của tôi, dù thiết tha hay không tha thiết, những âm thanh đó và những dòng nhạc này vẫn mãi mãi quyến luyến bên nhau và sẽ mãi mãi gắn bó liền nhau. Dĩ vãng khép kín tâm tư, tương lai chưa từng hẹn ước, nhưng lòng đã dặn lòng: «Ta còn thở, ta còn yêu, ta còn sáng tác».

Hoàng Lang viết những dòng trên đây vào tháng 3 năm 1983 tại Genève khi anh chưa ngã bệnh. 13 năm sau – năm anh được 66 tuổi – những mầm bệnh đủ thứ tên dai dẳng liên tiếp đeo đuổi anh để rồi 8 năm sau, anh «bỏ cuộc chơi» thật và để lại một bà vợ ngoan hiền, chị Nguyễn Phạm Kim Hoa. Trong khi anh còn đang sống dật dờ với thân xác đầy bệnh tật, với đôi mắt chỉ còn thấy ánh sáng được có 5%, thử hỏi qua bao nhiêu năm trường săn sóc và chăm nuôi bệnh nhân, nếu không phải là một người vợ gương mẫu, tuyệt đối thương yêu chồng trong cơn đau bệnh, thế nào cũng phải bỏ cuộc. Khi bệnh trở nặng, Hoàng Lang được đưa vào bệnh viện, kha khá lại được về nhà, rồi lại trở vô, ra vào bệnh viện thường xuyên, người nuôi bệnh không có ý chí cũng phải ngã bệnh luôn theo người bệnh. Có lần, chị Kim Hoa dìu chồng trong nhà, nhưng sức chị cũng đã mòn mỏi cho nên chị cùng chồng cùng ngã lăn ra sàn nhà.

Bây giờ nhạc sĩ Hoàng Lang đã ra người thiên cổ, nghìn thu vĩnh biệt. Anh ra đi, để lại nhiều thương tiếc cho gia đình yêu mến, cho bằng hữu thâm tình. Ở nơi xa xôi đó, anh sẽ găëp lại những bạn bè ngày xưa rất gần gũi thân thiết với anh như Võ Đức Tuyết (người chơi dương cầm trong ban nhạc đàn giây của anh), Hoàng Trọng (người chơi vĩ cầm của ban Hoàng Lang), Nhật Bằng (người sử dụng đại hồ cầm) và rồi anh cũng sẽ gặp các anh Lê Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Minh Kỳ, Mạnh Phát, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Phạm Đình Chương,Trầm Tử Thiêng, Thu Hồ, Hoài Linh, Trúc Phương, Trọng Khương, Thục Vũ, Lan Đài, Ngọc Bích, Lê Trọng Nguyễn, Anh Việt Thu, Lê Uyên Phương… để thành lập một lực lượng sáng tác hùng hậu và nếu có thiếu ca sĩ, xin anh nhớ mời Trần văn Trạch, Thái Hằng, Hoài Trung, Duy Khánh, Nguyễn Hữu Thiết, Thanh Vũ…
 

Theo https://tranquanghai.info/

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Hoàng Lang sáng tác

Sheet nhạc

MIỀN QUÊ TÔI

Sáng tác: Hoàng Lang
Hợp âm dạo (Quang Linh): [F] | [Bb] | [C] | [F] | [F] [Bb] | [C] | [F] | [F] | [Bb] | [C] | [F] | [F] | [Bb] [C] | [F/C] Ai [F/C] về quê tôi qua đồng lúa xanh [F/C] Qua [C] dòng An Giang lơ thơ hàng [F] cau [F] Quê [Bb]...