Thông tin về ca sĩ Tạ Quang Thắng
Ca nhạc sĩ Tạ Quang Thắng
Khi nghe Thắng hát “Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Không biết bo bo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ” – có lẽ sẽ không chỉ có mẹ Thắng xúc động, mà rất nhiều người từng đi qua chiến tranh thấy hạnh phúc vì có một người trẻ biết trân trọng quá khứ. Và thật kỳ lạ, nhiều bạn trẻ vẫn hay can “thôi bố mẹ đừng nói chuyện ngày xưa nữa” bỗng quay sang thích nghe những câu chuyện cũ kỹ đó, qua lời kể bằng âm nhạc của Tạ Quang Thắng.
Thắng viết ca khúc đôi khi chỉ từ những câu hỏi rất giản đơn của bạn bè trên Facebook: “Sao cuộc đời không giống như phim?”, “Sao anh không viết tình ca?”. Quả thực, khán giả cũng không khỏi thắc mắc khi một chàng thanh niên đang ở tuổi yêu lại rất ít khi viết về tình yêu. Và Thắng đã trả lời trong ca khúc Viết tình ca như sau: “Cuộc sống vẫn xoay vào những kiếp người/Em có hay. Tình yêu nơi đâu…”. Album Một tôi rất mới chứa đựng tất cả những gì Thắng cho là hay nhất kể từ sau album đầu tay Country Rock (2012) đang chuẩn bị ra mắt.
* “Rất mới” là mới thế nào thưa anh?
– Album đầu tay của tôi, tình cờ là các ca khúc đều tập trung về đề tài đất nước, xã hội. Mọi người nhìn vào đó tưởng tôi chỉ có thế thôi, thực ra tôi không chỉ có như vậy. Album Một tôi rất mới phát hành mọi người sẽ thấy tôi còn có rất nhiều điều khác nữa. Trong album mới, đề tài rộng hơn vì nay trải nghiệm và tầm nhìn của mình cũng đã khác trước rất nhiều.
Về âm nhạc, bản thân tôi cũng xác định nếu đĩa đầu tay mới chỉ mang hơi hướng country rock, thì đĩa thứ hai sẽ phải làm cho ra chất country rock hơn. Thời gian qua tôi đã đăng ký học trực tuyến của Trường Âm nhạc Berklee (Mỹ), mua sách sáng tác về học, mua hai nhạc cụ đặc trưng của country rock là banjo, lap steel về tập. Mọi thứ có vẻ ổn hơn rất nhiều, tôi cảm thấy sáng tác chắc tay hơn, còn đàn thì giờ đã đáp ứng được yêu cầu thu âm rồi.
* Là ca sĩ chưa đủ mệt hay sao mà còn ôm đồm học để sáng tác như nhạc sĩ và chơi đàn như nhạc công?
– Là do dòng nhạc tôi chọn (country rock) không phổ biến ở Việt Nam, gần như không có nhạc sĩ nào sáng tác theo thể loại này, nên tôi bắt buộc phải sáng tác nếu muốn có bài để biểu diễn. Ngày xưa sáng tác theo kiểu khi có cảm hứng thì viết ra. Nhưng khi học rồi mới thấy viết ca khúc là cả một môn khoa học, chứ không đơn giản chỉ nghĩ trong đầu rồi viết ra đâu. Và vì country rock có những loại nhạc cụ riêng, mà các nhạc công khác đâu thể vì mình mà đi học, nên mình phải tự học thôi.
* Tự học, anh sẽ đặt mục tiêu thế nào?
– Phải chơi được như nhạc công chuyên nghiệp. Tôi nhớ năm 2012 đọc một bài trên Facebook, người ta hỏi thí sinh Vietnam Idol: “Thần tượng của bạn là ai?”. Bạn này trả lời là Tạ Quang Thắng. Bạn ấy biết đánh guitar nhé. Lúc đó tôi nghĩ, thế thì mình càng phải làm tốt hơn rồi.
Chơi đàn là lao động chân tay, dùng sức đấy, không phải đùa đâu, rất mệt. Ngày nào cũng 2 tiếng, tập xong “nát” cả tay. Những nghệ sĩ guitar nổi tiếng tôi biết ngày nào cũng phải tập đàn 2 – 3 tiếng.
* Hình như anh luôn thấy sốt ruột vì mình còn thiếu kỹ năng này, kỹ năng kia…
– Đó là cảm giác thường trực. Muốn thu đĩa thật tốt thì phải tập đàn rất nhiều. Tập đàn nhiều quá, kỹ năng hát lại vơi đi, lúc đó lại phải lao vào luyện thanh. Không luyện tập vào trong phòng thu chỉ một lỗi sai nhỏ, qua tai nghe phát hiện ra ngay. Nhạc sĩ Anh Quân nói với tôi, “đến giờ mỗi lần vào phòng thu anh còn căng thẳng nữa là em”. Nhiều người nhìn người làm nghệ thuật tưởng nhàn lắm, nhưng trong nghề thì biết một ngày không luyện thanh, không luyện đàn thì lụt nghề ngay.
* Tôi nghĩ hẳn anh phải có một lý do, một động lực nào đó lớn hơn bắt anh phải học hành “trối chết” như thế đấy?
– Năm 2008 tôi đi thi hát, trong khi tất cả các thí sinh hát đĩa, thì tôi có ban nhạc. Ban tổ chức hỏi tôi có muốn thay bài không, họ không thích vì không dưng phải cài đặt âm thanh cho riêng mình tôi, rồi thì Ban tổ chức cũng chiều. Sau khi biểu diễn xong, rất nhiều thí sinh xuýt xoa. Nhưng lần đó tôi bị loại từ vòng “gửi xe”. Một cú sốc rất lớn với tôi. Điều đó đã thôi thúc tôi học. So với ca sĩ, tôi đánh đàn giỏi hơn, nhưng so với nghệ sĩ guitar Thanh Phương, Doãn Việt Dũng tôi không thể bằng. Còn so với nhạc sĩ sáng tác ca khúc, tôi thấy mình quá kém. Không còn cách nào khác phải học thôi.
* Tôi rất tò mò muốn biết, làm thế nào để một ca sĩ trẻ, đi lên từ số 0 có thể quy tụ bên mình một ban nhạc toàn những người tài?
– Ồ không, chính xác là ê-kíp. Khi nào có album mới, tôi thường trao đổi với nhạc sĩ Sơn Hải. Anh ấy là người phối khí toàn bộ ca khúc cho tôi. Rồi anh ấy sẽ tập hợp các nhạc công hợp với tôi như anh Doãn Việt Dũng – một trong những người đánh guitar hay nhất ở Hà Nội; An Cường là nhạc sĩ phối khí có tên tuổi, giữ vai trò đánh trống. Guitar thùng thì tôi tự đánh, bài nào khó nhờ anh Dũng đánh.
Kiểu nhạc của tôi đúng là phải hát cùng ban nhạc mới hay, và nhạc cụ phải là nhạc cụ thật chứ không phải nhạc cụ điện tử thì mới nhấn nhá được cảm xúc của nghệ sĩ. Nhưng tiếc các chương trình không đủ kinh phí để trả thêm cho ban nhạc 6 người.
* Tại sao báo chí cứ gắn anh với tính từ “khó tính” nhỉ?
– (Cười). Tôi khó tính thật mà. Trong công việc tôi luôn muốn đạt hiệu quả cao nhất, nhiều khi đánh đàn không ra, hoặc âm thanh của sân khấu kém quá thì bức xúc lắm.
Có những hôm đi tập anh em chào nhau rất vui, đến lúc diễn, âm thanh hỏng, lúc về mình không muốn nhìn người làm âm thanh luôn. Vì âm thanh dở ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc, mình hát không hay, không thể giải thích với khán giả là tại âm thanh. Có một điểm nữa, tông giọng của tôi yêu cầu đàn phải vặn thấp hơn của mọi người nửa cung. Tổng phổ của tôi khó hơn vì rất nhiều thăng giáng, rất loằng ngoằng. Nếu không phải ê-kíp quen thì sẽ không thích và thấy khó đánh. Tính tôi cũng hơi hồn nhiên, không hay giữ kẽ, nếu tôi thấy chưa ổn là nói luôn. Ai làm việc với tôi lâu thì hiểu cái thằng này tính nó thế, còn ai chưa làm bao giờ cũng hỏi thằng này ở đâu ra thế.
* Đòi hỏi cao thì sẽ thích nghi thế nào với môi trường âm nhạc vẫn còn nhiều thứ kém chuyên nghiệp đây?
– Đúng là ở Việt Nam chưa có một môi trường sáng tạo thực sự cho nghệ sĩ. Người nghệ sĩ ở Việt Nam luôn đặt câu hỏi mình bỏ một đống tiền ra làm cái hay nhất của mình liệu có được đón nhận hay không. Đó là điều cực kỳ thiệt thòi. Tôi gặp nhiều nghệ sĩ rất giỏi, nhưng họ không đến được với công chúng, thành ra thành bất mãn. Tôi luôn cố gắng để không bị như vậy. Tôi không bao giờ đặt quá nhiều hy vọng để tránh bị suy sụp. Chúng tôi nói với nhau cứ cố gắng làm cái hay nhất của mình.
Nhạc sĩ Hoài Sa: “Tạ Quang Thắng là nhân tố trẻ cần được nuôi dưỡng tài năng” Trong hạng mục Nhạc sĩ của năm, giải Âm nhạc Cống hiến lần 8 – 2013, nhạc sĩ Hoài Sa đã chọn Tạ Quang Thắng thay vì chọn hai người gạo cội, nhiều thành tựu là nhạc sĩ Quốc Trung và Lưu Thiên Hương. Dù không thích country rock nhưng Hoài Sa rất ấn tượng với thứ âm nhạc “trẻ trung, đầy tính nghệ sĩ và không hề có chút tính toán vụ lợi” của Thắng. Hoài Sa cũng đánh giá rất cao đề tài Thắng chọn, vì “nếu viết không hay là “chết” liền”. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần