Thông tin về ca sĩ Ngọc Hương

Thông tin về ca sĩ Ngọc Hương

Có người nhờ thế tuồng người khác mà được dịp may hát vai chánh. Có người nhờ có giọng ca độc đáo, dù hát vai phụ nhưng giọng ca thu hút khán giả là lập tức được nâng lên thành đào chánh hay đào nhì dù khả năng diễn xuất vẫn còn rất hạn chế.

Và không ít những nghệ sĩ thuộc gia đình có nhiều đời là nghệ sĩ, được ông bà cha mẹ trực tiếp truyền nghề cho và nhứt là được hát ở ngay trong gánh hát của gia đình nên nghệ sĩ đó có nhiều thuận lợi để thủ vai hát chánh hơn những nghệ sĩ đồng trang lứa.

Nữ nghệ sĩ Ngọc Hương sinh năm 1942 là con của một gia đình có nhiều đời theo nghề hát tại tỉnh Bến Tre. Ông Bà Nội của Ngọc Hương là hai nghệ sĩ nổi danh của gánh hát bội Kiến Lương. Cha của cô là ông Nguyễn Văn Hay tức nghệ sĩ Hai Nhỏ, vừa là kép chính vừa là biện tuồng của đoàn hát Kiến Lương.

Ngọc Hương có bốn anh chị em, tất cả đều là nghệ sĩ tài danh. Người chị cả là nghệ sĩ Kim Giác, vợ của nghệ sĩ Hoàng Giang, người anh kế là nghệ sĩ Hoàng On và em gái của Ngọc Hương là Ngọc Lan cũng là nữ nghệ sĩ của đoàn cải lương Hương Mùa Thu.

Tuy được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ Hát Bội nhưng cha của cô thấy nghệ thuật hát bội mất dần khán giả, nghệ sĩ hát bội phải sống trong cảnh nghèo đói vì mỗi mùa hát chầu cúng đình, cúng chùa, nghệ sĩ chỉ được chia lương bằng một số ít gạo hoặc thực phẩm. Gia đình Ngọc Hương quá nghèo, không nhà ở, phải tá túc dưới hầm sân khấu nơi rạp hát Xuân Cảnh Bến Tre.

Nói đến nghệ sĩ Ngọc Hương, những ai am hiểu cải lương nhớ tới Thu An. Họ là thầy trò, là vợ chồng, là đôi bạn đã có hơn 50 năm gắn bó, hạnh phúc, thăng trầm cùng nếm trải. Họ là những tên tuổi của sân khấu cải lương từ thời sơ khai đến giai đoạn phát triển rực rỡ nhất.

Soạn giả Thu An là người có công lớn trong việc cải cách sân khấu cải lương, đưa nhiều kỹ xảo, kỹ thuật, trang trí hoành tráng lên sân khấu biến nó thành những thiên đường đầy mầu sắc, khán giả ngây ngất, choáng ngợp với vẻ lung linh nhiều mầu sắc
Nghệ sĩ Ngọc Hương nổi tiếng khi còn rất trẻ. Năm 1962, chị được chọn trao giải HCV giải Thanh Tâm (cùng với NSƯT Ánh Hồng). Bấy giờ chị đang là đào chính đoàn Kim Chướng. Thời gian ấy, nghệ sĩ Thanh Hải là kép trẻ sáng giá nhất, và cũng là người đủ khả năng để thay thế “vua vọng cổ” Út Trà Ôn. Thanh Hải nổi tiếng với lối ngâm thơ Tao Ðàn độc đáo trên sân khấu cải lương, người bạn diễn ăn ý nhất thời đó của anh chính là Ngọc Hương.

Liên danh Thanh Hải – Ngọc Hương là mơ ước của nhiều ông bà bầu. Không những họ rất ăn khách mà tài ca diễn trở thành những biểu tượng một thời của cải lương. Ngọc Hương có lối ngâm thơ Tao Ðàn, ngâm thơ Sa Mạc không kém gì Thanh Hải, với chất giọng kim trong vắt, cao vút, lại rất truyền cảm, mùi mẫn, có lúc ca như tiếng khóc, như tiếng nức nở từ trong lòng bật ra, cùng với vóc dáng cân đối và gương mặt xinh đẹp, Ngọc Hương là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn. Hơi cao, nên khi hát trên sân khấu, Ngọc Hương thường hay ca dây xề đào (tương đương với mi thứ của tân nhạc) mà lại ca chồng hơi nghe thánh thót như tiếng chim hót.

Chính tài năng và nhan sắc đó đã làm say đắm trái tim của người soạn giả – đạo diễn tài hoa Thu An, để rồi từ tình thầy trò, họ trở thành đôi uyên ương cùng chắp cánh bay cao trong vườn hồng nghệ thuật.

Ngọc Hương hát phần nhiều là những sáng tác của Thu An với phong cách rất riêng. Từ những vai diễn trên sân khấu đến những bài ca tân cổ trên băng đĩa, Ngọc Hương, Thu An đã cống hiến cho những ai yêu thích cải lương những tác phẩm độc đáo nhất. Cho tới hôm nay, người ta vẫn nhớ Ngọc Hương hát nhạc sáng tác của Thu An trong sân khấu cải lương: “Anh ra đi anh có nhớ chăng anh. Vườn lan xưa có con bướm trắng. Anh ra đi anh có nhớ tình quê, có nhớ lấy lời thề, có em chờ anh về”’. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh hai là danh cầm Hoàng On, chị là nghệ sĩ Kim Giác (có chồng là NSƯT Hoàng Giang), em là nghệ sĩ Ngọc Lan…

Từ nhỏ, Ngọc Hương đã được anh hai Hoàng On ôm đờn dạy ca, bài bản, nhịp nhàng rất chắc, nhưng lạ một điều, Ngọc Hương không bao giờ biểu diễn kỹ thuật sắp nhịp lắt léo trong lòng câu, không cố ý phô diễn kỹ năng ca vững chắc của mình, Ngọc Hương ca như không cần chú ý đến nhịp, sắp xếp câu chữ, nhấn nhá một cách rất tự nhiên tùy theo ý tưởng của tác giả, của nhân vật muốn thể hiện.

Sự kết hợp ca và diễn rất nhuần nhuyễn, dường như chị cố tình thuyết phục người nghe bằng chính làn hơi ngọt ngào, lảnh lót, chinh phục bằng mỗi tâm trạng của nhân vật gởi gắm trong bài ca. Ngọc Hương ca theo phong cách riêng của mình không bị ảnh hưởng, bắt chước những giọng ca của những thế hệ nghệ sĩ trước. Lên cao bằng giọng mũi, bằng những chữ “gió” vút lên, như bay giữa không gian cao rộng. Cách ca của Ngọc Hương rất khó bắt chước bởi vì nếu muốn giống như Ngọc Hương đòi hỏi người ca phải có làn hơi trong trẻo và phong phú.

Người thì hùng tráng, mạnh mẽ vẫn có chút dịu dàng, mềm mại, người thì yếu đuối, thướt tha, cam chịu hơn là phản kháng, người thì có vẻ chân quê, thôn dã, người thì thành thị, đài cát, kiêu sa. Ngọc Hương không ca bài lẻ nhiều, hầu hết là những vai tuồng. Chất giọng của Ngọc Hương ca tân cổ rất hợp với Tấn Tài, thu tuồng trong băng đĩa hợp với Hùng Cường nhất, hát sân khấu thì hợp với Thanh Hải, Út Hiền, Thanh Tuấn. Ở từng thời điểm khác nhau, họ có những thành công vang dội. Nếu ở sân khấu Kim Chướng, Thanh Hải và Ngọc Hương trở thành một bộ đôi ăn khách, thì ở đoàn Hương Mùa Thu, Ngọc Hương, Út Hiền trở thành một liên danh khó tách rời nhau. Sau này, Út Hiền có hát với nhiều cô đào khác nhưng dường như chỉ với Ngọc Hương là hợp với Út Hiền nhất.

Thanh Tuấn từ các đoàn cải lương nhỏ lần đầu tiên về ra mắt ở Hương Mùa Thu, chính Ngọc Hương đã làm đòn bẩy đưa Thanh Tuấn lên cao khi anh hát song đôi với chị, nổi danh ở Sài Gòn những năm 70 của thế kỷ trước. Ngọc Hương có nét duyên rất lạ, dễ kết hợp với nhiều nghệ sĩ trẻ, hát chung với nhiều nghệ sĩ tuổi đời, tuổi nghề nhỏ hơn mình vẫn không thấy có sự chênh lệch, nghề nghiệp vững chắc làm chỗ dựa, ưu thế của một cô đào đẹp giúp cho Ngọc Hương giữ được tuổi thọ sân khấu của mình khá dài.

Từ những năm 1980 trở đi, đoàn Hương Mùa Thu có chủ trương lăng-xê những kép trẻ, Ngọc Hương ít có dịp hát với những bạn diễn nổi tiếng, nhưng vẫn nổi bật hòa hợp một cách lạ thường với lớp nghệ sĩ đàn em. Cho đến sau này vì tuổi cao, sức khỏe kém, đoàn Hương Mùa Thu ngưng hoạt động, Ngọc Hương trở về với vai trò người nội trợ trong gia đình, cho đến khi Thu An qua đời cách đây vài năm. Thỉnh thoảng, Ngọc Hương tham gia vài vai diễn trên truyền hình cho đỡ nhớ nghề.

Thời gian qua nhanh, biết bao nhiêu dời đổi, soạn giả Thu An đã vĩnh viễn ra đi. Ðoàn Hương Mùa Thu giờ đây chỉ còn là kỷ niệm, bất chợt gặp lại NSƯT Ngọc Hương vẫn còn đó phảng phất nét duyên thắm của cô đào tài sắc một thời. Giọng ca vẫn còn trong trẻo, ngọt ngào như xưa nhưng có vẻ chơi vơi, lạc lõng không phải vì sức khỏe, không phải vì thời gian mà dường như cánh chim lẻ bạn thì tiếng hát càng trở nên buồn mênh mông vời vợi như sự hụt hẫng, cô đơn mất đi một điểm tựa rất vững chắc lớn lao trong tâm hồn nghệ sĩ, đó là nỗi nhớ Thu An.

NSƯT Ngọc Hương có nụ cười tự nhiên rất đẹp, vui vẻ, cởi mở, hiền từ và rất chân thật. Giờ đây NSƯT Ngọc Hương trở lại cuộc sống bình dị bên cạnh vợ chồng người con trai duy nhất, còn đứa con gái đã có chồng đang làm việc ở nước ngoài. NSƯT Ngọc Hương tạm rời sân khấu, nhưng những gì Thu An – Ngọc Hương để lại cho sân khấu cải lương là tài sản quý giá, đáng được trân trọng.

Nguồn : Tổng hợp

Hợp âm những bài hát do ca sĩ Ngọc Hương thể hiện

Sáng tác: Nhạc ngoại
HOA HỒNG NỞ GIỮA MÙA ĐÔNG - Như Quỳnh & Kỳ Anh Hợp âm dạo - Slow Surf: [E] | [Gbm] | [Bm] | [D] | [Dbm] [Gbm7] | [Bm] | [D] | [A] | [A] | [A] Vẫn còn đây ngày [Dbm/Ab] tháng ấm êm, hạnh [Gbm] phúc thơ ngây [E] | [D]...