Thông tin về nhạc sĩ Trần Văn Trạch
Trần Văn Trạch (1924- 1994), tên thật là Trần Quang Trạch, là nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam.
Với mái tóc dài cùng giọng ca trầm ấm, cộng thêm phong thái biểu diễn mới lạ, vui nhộn, độc đáo…ông được khán giả, báo chí trước 1975, phong tặng danh hiệu quái kiệt.
Cuộc đời & sự nghiệp
Trần Văn Trạch sinh tại làng Đông Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), trong gia đình có truyền thống nhạc cổ và sân khấu tuồng.
Gia thế
Ông cố tên Trần Quang Thọ, vốn là một nghệ nhân nổi tiếng trong ban nhạc cung đình Huế. Khoảng năm 1860, ông Thọ xin từ nhiệm và di cư vào Nam.
Ông nội là nhạc sĩ Trần Quang Diệm (Năm Diệm, 1853-1925). Cha ông là Trần Văn Triều (Bảy Triều, 1897-1931) nổi tiếng trong giới cổ nhạc qua tiếng đàn kìm lên dây theo kiểu dây Tố Lan do ông sáng chế ra.
Ông Trạch có người cô thứ ba tên là Trần Ngọc Viện (Ba Viện, 1884-1944). Bà biết hát nhiều điệu hát, biết sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc, nhưng điêu luyện nhất là đàn thập lục (đàn tranh) và đàn tỳ bà. Bà chính là người đã thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban vào khoảng năm 1927, với một điểm đặc biệt là tất cả các diễn viên đều là nữ, một hiện tượng duy nhứt trong lịch sử hát cải lương miền Nam. Và bà cũng là người nuôi dạy ba người con của ông Triều, khi vợ ông Triều là bà Nguyễn Thị Dành (1899-1930) mất sớm. Sau, cả ba người cháu này đều thành danh, đó là GSTS Trần Văn Khê, quái kiệt Trần Văn Trạch và ca sĩ Trần Ngọc Sương[1].
Phía bên ngoại, ông Trạch có cậu thứ năm tên là Nguyễn Tri Khương (1890-1962), tục gọi Năm Khương. Ông là cháu nội của danh tướng Nguyễn Tri Phương) và là một nhạc sĩ chuyên về sáo, lại thông hiểu về lý thuyết nhạc cổ. Cho nên khi bà Ba Viện lập gánh hát Đồng Nữ Ban, ông Khương trở thành soạn giả của gánh. Để phong phú thêm làn điệu, ông sáng tác ra những bài hát như: Thất trĩ bi hùng, Yến tước tranh ngôn, Phong xuy trịch liễu, Bắc Cung Ai… Và con của người cậu thứ tư (Nguyễn Tri Lạc) là nhạc sĩ Nguyễn My Ca (tên thật là Nguyễn Mỹ Ca), mất vào năm 1944 trong lúc kháng Pháp, người nhạc phẩm Dạ khúc, được nhiều người yêu âm nhạc buổi ấy biết đến.
Nơi quê nhà
Trần Văn Trạch là con trai thứ trong 3 người con của ông Trần Quang Triều. Ông có người anh là Trần Văn Khê và em gái út là Trần Ngọc Sương.
Thuở nhỏ, Trần Văn Trạch theo học chữ ở Collège de Mỹ Tho (trường trung học Mỹ Tho) cho tới năm 18 tuổi (1942) thì rời ghế nhà trường.
Ngay từ lúc nhỏ ông đã có năng khiếu về âm nhạc. Do vậy, ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm và đàn tỳ bà. Tuy biết nhiều về cổ nhạc và có giọng hát ấm, nhưng ông lại thích tân nhạc hơn. Vì vậy, ông học đàn mandoline với anh là Trần Văn Khê và học đàn violon với Nguyễn Mỹ Ca, người anh cô cậu, và biết chơi thành thạo những bài nhạc Pháp thịnh hành thuở đó.
Ngoài niềm đam mê về âm nhạc, ông Trạch cũng thích việc kinh doanh, nên có thời gian ông lập ra lò làm chén ở Vĩnh Kim. Nhưng sau một vài năm làm ăn không khá, ông bỏ nghề lên Sài Gòn kiếm sống.
Đến Sài Gòn
Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Pháp trở lại Việt Nam, những phòng trà được phép mở cửa trở lại. Bắng tài năng của mình, buổi đầu Trần Văn Trạch xin vào làm hoạt náo và hát tại dancing Théophile ở vùng Dakao. Sau khi có được một số vốn, ông xin mở một phòng trà nhỏ ở đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong thời gian này anh sống với người vợ Pháp và có một đứa con. Vì thế anh bị những người theo Việt Minh kết tội là Việt gian. May mắn được anh trai Trần Văn Khê kịp nhờ người bảo lãnh, nên ông Trạch mới được tha nhưng phải gia nhập vào Ban nhạc quân đội của Việt Minh, rồi cùng với anh, đi lưu diễn khắp miền Tây. Khoảng năm 1946-1947, Trần Văn Trạch không theo ban nhạc nữa, về Sài Gòn, cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở quán nước tại khu Bàn Cờ (nay thuộc quận 3, TP. HCM) Nhằm câu khách, đôi khi ông Trạch hát những bài nhạc Pháp cho lính Pháp nghe, nên ông được bạn bè đặt cho anh một cái tên rất “Tây” là Tracco.
Trong thời gian đi theo Ban nhạc quân đội, Trần Văn Trạch có quen nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996). Phát hiện được khả năng hài tiềm ẩn trong con người ông Trạch, nên lần đầu tiên Lê Thương viết thử nghiệm một bài ca hài cho ông trình diễn. Ðó là bài Hòa bình 48 (1948)[2] hát nhái tiếng đại bác, tiếng máy bay ném bom…
Được người nghe hoan nghênh, Lê Thương viết tiếp bài Liên Hiệp Quốc hát bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Tàu, bài Làng báo Sài Gòn[3] phê bình các nhà báo nói láo ăn tiền, chạy theo thực dân Pháp…và cũng do ông Trạch hát. Chính vì vậy, Lê Thương, Trần Văn Trạch… đã bị cảnh sát mời vào bót Catinat ở mấy ngày.
Đến năm 1949, nhận thấy tân nhạc bắt đầu thịnh hành, Trần Văn Trạch nảy ra ý nghĩ mở Đại nhạc hội, là một chương trình văn nghệ bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật…Với cách làm này, Trần Văn Trạch chinh phục được nhiều khán giả trên khắp mọi miền. Và kể từ đó cái tên đại nhạc hội bỗng trở nên phổ biến.
Năm 1951, bắt đầu từ rạp Nam Việt, ông Trạch đưa ca nhạc vào các rạp chiếu bóng để diễn trước giờ chiếu phim chính. Cách làm này cũng được nhiều người xem hoan nghênh và cụm từ “chương trình văn nghệ phụ diễn” cũng ra đời từ đó. Cũng năm này, vì nhu cầu trình diễn, ông Trạch đã tự sáng tác ra những bản nhạc hài hước để tự mình trình diễn lấy. Bản nhạc Anh phu xích lô là sáng tác đầu tiên của ông:
- Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn
- Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới
- Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới
- Ê tôi xin mời lại đây.
- Chiếc xe này có bảo kiết thật chắc
- Bánh xe thì tốt thùng có bọc sắt
- Nếu khi mà có đụng phải xe jeep
- Quý ngài chẳng hề hấn gì…
Thành công, kể từ đó cho tới ngày ký hiệp định Genève (1954) ông viết tiếp Cái tê lê phôn, Cái đồng hồ tay, Cây bút máy, Anh chàng thất nghiệp, Sở vòi rồng, Đừng có lo, Tôi đóng xi nê, Chiếc ô tô cũ, Chiến xa Việt Nam.. Và bài nhạc nào của ông cũng làm người nghe bật cười, thích thú…
Tuy vậy, không phải ông Trần Văn Trạch chỉ sáng tác nhạc hài hước, đôi khi trong nhạc cũng pha lẫn chút triết lý, như bài Khi người ta yêu nhau:
- Khi người ta yêu nhau
- Yêu trong lúc bảy mươi tuổi đầu
- Thì không phải vì tiền đâu
- Nhưng mà chẳng còn bao lâu…
Hoặc pha lẫn chút bi như bản Chuyến xe lửa mùng 5 (1952), kể lại chuyện đi thăm mẹ của một chàng trai. Lúc đầu, là những đoạn nhạc hài hước, với những tiếng động của nhà ga, của xe lửa… Nhưng đoạn cuối là một khúc bi ca, khi chàng trai ấy về đến nhà mới biết mẹ mình đã qua đời…
Cũng trong năm này, ông đã sáng tác và hát bài Xổ số kiến thiết quốc gia, Nhờ bài hát này, tên tuổi ông càng được nhiều người biết đến. Trích:
- Kiến thiết quốc gia
- Giúp đồng bào ta
- Xây đắp muôn người
- Được nên cửa nhà
- Tô điểm giang san
- Qua bao lầm than
- Ta thề kiến thiết
- Trong giấc mộng vàng
- Triệu phú đến nơi
- Chỉ mười đồng thôi
- Mua lấy xe nhà
- Giàu sang mấy hồi…
Dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm (1956-1963), nhạc sĩ Trần Văn Trạch sáng tác rất ít. Chỉ có một bài ca hài hước được ra đời. Đó là bài Ba chàng đi hỏi vợ.
Ngoài nghiệp ca và sáng tác, Trần Văn Trạch còn đảm ban nhạc Sầm Giang trên đài phát thanh Pháp Á từ năm 1950 tới năm 1954.
Ban Sầm Giang quy tụ một số nhạc sĩ có tên tuổi như cố nhạc sĩ Võ Đức Thu, Kháng Băng, Nghiêm Phú Phi, các ca sĩ có tiếng thời 1950, như: Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy Hoa, Tâm Vấn… Đến năm 1953, có thêm những bộ mặt mới như nữ kịch sĩ Bích Thuận, Duy Trác, Tùng Lâm, ban Thăng Long và bé Bạch Yến.
Trần Văn Trạch cũng đã cộng tác với nền điện ảnh Việt Nam ở trong giai đoạn phôi thai. Năm 1955, cộng tác với hãng phim Mỹ Phương bên Pháp, sản xuất được hai cuốn phim là Lòng nhân đạo (1955) và phim Giọt máu rơi (1956). Cả hai phim này ông đều đóng chung với nghệ sĩ Kim Cương.
Sau khi rời hãng phim trên, Trần Văn Trạch cộng tác với người Hoa ở Chợ Lớn để lập hãng phim Việt Thanh, và tự làm đạo diễn cho hai cuốn phim về truyện cổ tích Việt Nam, đó là phim Thoại Khanh Châu Tuấn (1956, với Kim Cương và Vân Hùng) và Trương Chi Mỵ Nương (1956, đóng chung Trang Thiên Kim – La Thoại Tân).
Năm 1957, lâm bệnh nặng suốt cả năm nên ông phải từ giã nghề điện ảnh.
Năm 1960, Trần Văn Trạch sang Paris (Pháp) và thường xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Paris, quận 1.
Lưu diễn khoảng sáu tháng, năm 1961, ông trở về Sài Gòn với một tiết mục mới là trò múa rối học được ở Pháp, hát thành công bản Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông theo kiểu sound track (phần nhạc do ban nhạc của Pháp thu sẵn trên băng nhựa).
Năm 1965 đến đầu năm 1975, Trần Văn Trạch là “ông bầu”, chuyên tổ chức những chương trình nhạc trẻ phục vụ trong những night clubs dành cho lính Mỹ. Trong khoảng thời gian trên, ông có sáng tác một vài bản nhạc, nhưng không được thành công, như bài Highway 19 đặt theo điệu Long Hổ Hội, nhạc cổ nhưng lời bằng tiếng Anh và theo nhịp swing.
Kể từ 30 tháng 4 năm 1975 và mấy năm sau đó, Trần Văn Trạch tạm sống một cuộc đời bình thường, thi thoảng cũng đi lưu diễn cùng với một số nghệ sĩ khác.
Sang Pháp & mất
Tháng 12 năm 1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Paris (Pháp). Từ đó trở đi cho tới ngày từ trần, Trần Văn Trạch, từng nổi tiếng là quái kiệt, gần như tạm dừng công việc nghệ thuật, xoay ra làm nghề khác để kiếm sống.
Ở hải ngoại, ông không chỉ sáng tác được một vài bài. Về sinh hoạt văn nghệ, ông cũng chỉ có bốn cuốn băng là Hài hước Trần Văn Trạch (Thúy Nga, Paris, 1982) Con đường hạnh phúc (Thanh Lan, 1983), và Allô Paris (Giáng Ngọc, Paris 1986). Về phía phim video, ông cũng có làm một cuốn kỷ niệm Hài hước Trần Văn Trạch (quận Cam, California, Hoa kỳ, 1983) và trong cuốn Thi ca nhạc kịch Việt Nam (Hà Phong thực hiện, Paris, 1984)
Ngoài ra ông cũng có đi diễn cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984… Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, Trần Văn Trạch thường đi sang Hoa kỳ làm nghề quảng cáo trên đài Truyền hình Việt Nam ở Quận Cam.
Tháng 2 năm 1994, do bị ung thư gan, ông trở về Paris và nằm chữa bệnh tại bệnh viên Thenon ở Paris. Trần Văn Trạch mất ngày 12 tháng 4 năm 1994, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetière intercommunal ở Valenton, ngoại ô Paris của Pháp.
Một đoạn tự thuật
“ | Trong một đêm Noel, sau khi đã “chạy sô” khắp các sân khấu, hộp đêm ở Sài Gòn, người nghệ sĩ hài đi lang thang vô định trên đường phố bởi không biết về đâu. Nhà ai cũng sáng choang đèn nến và bữa ăn reveillon rộn rã chuỗi cười duy chỉ có người nghệ sĩ là… đứng dựa cột đèn, lắng nghe giọng hát hài hước, vui nhộn của chính mình phát ra từ một đĩa pick-up của ngôi nhà đang có tiệc tùng mà thấm thía nỗi tủi cực ở phía sau ánh đèn màu hào nhoáng…[4] | ” |
Bài hát
- Chiếc đồng hồ tay
- Tai nạn téléphone
- Chuyến xe lửa mồng năm
- Ba chàng đi hỏi vợ
- Chồng đĩa hát cũ
- Anh chàng thất nghiệp
- Chiếc xe ô tô cũ
- Ngày thể thao quốc tế
- Bản nhạc tò ti
- Đi xem hội chợ Sài Gòn
Nhận xét
“ | Anh không để lại chiến công nên không có tượng đồng bia đá. Anh chỉ để lại tiếng khóc và niềm tiếc thương của bao người ái mộ. Như câu nói của danh nhân nào đó: “Khi mới chào đời, ta cất tiếng khóc trong khi mọi người thân chung quanh tươi cười. Ta hãy sống như thế nào để khi từ giã vĩnh viễn cõi đời, mọi người khóc còn mình thì mỉm cười ra đi.”
Ðó chính là cái còn và cái mất của Trần Văn Trạch cũng như bao nghệ sĩ tài danh vậy. |
” |
Theo wikipedia.org
Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Trần Văn Trạch sáng tác
* Chọn đúng chức năng tìm kiếm theo tên Bài hát.
* Loại bỏ các ký tự đặc biệt trong từ khóa (VD: !@#$%^&*?).
* Loại bỏ tên tác giả / ca sĩ ra khỏi từ khóa.