Thông tin về nhạc sĩ Lm. Kim Long

Linh mục-nhạc sĩ Kim Long sinh ngày 09.01.1941 tại họ đạo Bách Tính, giáo phận Bùi Chu. Ngài đến với thánh ca rất sớm. Năm 1949, khi mới tám tuổi, ngài tham gia ca đoàn họ đạo. Có lẽ những bài bình ca đầu tiên thời thơ ấu đã ảnh hưởng nhiều đến tâm thức và khuynh hướng âm nhạc sau này của Ngài.

Biến cố năm 1954, cậu bé Kim Long cùng với gia đình di cư vào Nam và cậu học tại tiểu chủng viện Thánh Phanxicô. Năm 1957, với sự khích lệ ân cần của cha giáo Ngô Duy Linh, ngài viết tác phẩm thánh ca đầu tay: “Con hân hoan”. Lúc này ngài vừa tròn 17 tuổi. Cuốn nhạc của ngài xuất bản đầu tiên là cuốn “Suối Thiêng”.

Năm 1960, với tác phẩm “Kinh Hoà Bình” bất hủ (Vừa qua, vào lúc 17giờ 30 ngày 15/4/2010 tại giáo xứ Phú Trung, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm bài hát Kinh Hòa Bình ra đời), Kim Long đã đưa lời cầu nguyện tuyệt vời của thánh Phanxicô Assisi thấm sâu vào lòng muôn ngàn tín hữu. Đây là năm thật đáng nhớ của người nhạc sĩ vì gắn liền với tác phẩm được nhiều người biết đến và yêu mến nhất.

Từ năm 1961, tập thánh ca “Ca Lên Đi” đầu tiên trong số 25 tập của nhạc sĩ Kim Long bắt đầu ra mắt. Tập đầu tiên này được in tại nhà in Nguyễn Bá Tòng.
Năm 1968, nhạc sĩ lãnh nhận tác vụ linh mục và sau đó đi du học tại Giáo Hoàng Học Viện về Thánh Nhạc tại Rôma. Cha chọn chuyên ngành bình ca vì quan niệm rằng bình ca có những giá trị đặc biệt đem lại ánh sáng cho việc sáng tác thánh ca của mọi thời đại.

Năm 1973 cha về nước và coi sóc giáo xứ Đức Hoà, thuộc giáo phận Mỹ Tho. Đồng thời, cha dạy thánh nhạc tại Đại học Đà Lạt, Đại học Thành Nhân, Đại chủng viện Sàigòn và biên soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc.

Sau biến cố 1975, cha đã âm thầm tiếp tục viết thánh ca, để rồi lần lượt cho ra đời những tuyển tập “Ca lên Đi” từ số 10 cho đến số 25. Linh mục Nguyễn Duy nhận định: ”Trong những tuyển tập Ca Lên Đi này, người ta thấy một dòng nhạc mới xuất hiện, nhiều đảo phách và nghịch phách hơn, lời ca được dệt mang nhiều chất thơ hơn và nhiều trăn trở hơn”. Một trong những bài thánh ca nổi tiếng của những sáng tác mới này là bài: “Chúa Không Lầm”.

Từ những năm đầu thập niên 80 thế kỉ trước, cha nhận thấy nhu cầu nở rộ của các ca đoàn tại Sài Gòn và các giáo phận khác, nên ngài đã suy tư, cầu nguyện để viết nên những trang hợp xướng. Những bài hợp xướng này đa phần khởi hứng từ Kinh Thánh và những lời thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng. Hai tuyển tập Hợp ca đã ra đời từ hoàn cảnh đó. Có một điều thật kì lạ: Trong thời gian vô vàn gian khó này, nhờ ơn Chúa ban, cha lại viết nhiều hơn, dạy nhiều hơn. Trong giai đoạn này Ngài đã chăm sóc truyền thụ rất tận tình không chỉ kiến thức và kinh nghiệm âm nhạc, thánh nhạc mà nhất là cái tâm một lòng phụng sự Chúa và Giáo hội trong lĩnh vực thánh nhạc cho các học trò, trong số này có thể kể tới linh mục Nguyễn Duy, Huy Hoàng, Phanxicô Ngọc Linh, Anh Tuấn, Viết Khôi, Hải Triều, Cát Minh… Cũng trong thời gian này, Ngài cùng các với các môn sinh và thân hữu cho phổ biến 5 tập “Chung Lời Ngợi Ca”.

Năm 1994, lại một điều kỳ diệu khác xảy ra, theo lời cha kể: ngài lâm trọng bệnh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, ngài đã chuẩn bị sẵn sàng ra đi với lời than thở: “Chúa ơi, sao gọi con về sớm thế!” Nhưng vì công việc soạn nhạc cho tất cả các Thánh Vịnh Đáp Ca dùng trong phụng vụ còn đang tiến hành dở dang, nên ngài nài xin: “Nếu đẹp ý Chúa, xin Ngài ban thêm chút thời gian cho con để công việc được hoàn thành…”. Và tuyệt vời thay, Chúa đã nhậm lời. Bộ sách THÁNH VỊNH ĐÁP CA đã ra đời đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và theo đúng ý Hội thánh.

Từ đó, ngài vẫn tiếp tục sáng tác. Những năm gần đây, cha chấp bút với đề tài thánh ca suy niệm để phục vụ những buổi tĩnh tâm và đời sống thiêng liêng trong các tu viện… Tới nay đã hoàn thành trên 1.000 bài.

Đến nay vừa tròn 50 năm, nhiều bài thánh ca của cha Kim Long đã luôn đồng hành và phục vụ cho các cử hành phụng vụ cũng như các buổi hội họp cầu nguyện của tín hữu. Ngài luôn nhủ lòng mình cùng căn dặn môn sinh: một bài Thánh ca hay là bài Thánh ca được cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra, lần thứ hai người hát phải cầu nguyện để hát bài Thánh ca ấy. Bởi vì chủ đích của bài Thánh ca chính là để cầu nguyện với Chúa bằng lời ca. Suốt 50 năm làm việc liên tục không ngừng nghỉ trong ơn gọi viết thánh ca, điều cha hằng thao thức là làm thế nào để lúc viết và hát thánh ca cũng là lúc cầu nguyện.

Chúng ta cũng không quên những tập thánh ca nhỏ viết về Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh với tựa đề thật dễ thương: “Những Bông Hoa Nhỏ”.

Thêm vào đó, cha còn đảm trách những công việc chuyên môn với tư cách là Phó ủy ban Thánh nhạc Việt Nam và Tổng Thư ký Ủy ban Phụng Tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Song song với sự nghiệp sáng tác, cha còn tích cực giảng dạy thánh nhạc cho nhiều nơi: Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, các đại chủng viện Hà Nội, Huế, Sài Gòn; các Hội Dòng, các giáo phận từ Nam tới Bắc. Thêm vào đó, cha còn soạn thảo những giáo trình và những tập sách nghiên cứu về âm nhạc như: Nhạc lý căn bản, Hoà âm, Đối âm, Hướng dẫn Đánh nhịp, Một vài kinh nghiệm để viết thánh ca, Thánh nhạc trong Phụng Vụ…

Vừa tròn một nửa thế kỉ dâng hiến cho Chúa, cho Giáo hội qua sự nghiệp thánh nhạc với gia tài hơn 3,000 bài thánh ca, linh mục Kim Long quả thực là người đã sống chết với thánh ca. Phải là một người có tâm hồn rất phong phú về nghệ thuật lẫn tâm linh, cộng với những khát vọng và nỗ lực vượt bậc mới có thể có được một gia tài phong phú như thế. Trong sự nghiệp thánh nhạc, ngài luôn nhủ lòng mình cùng căn dặn môn sinh: một bài Thánh ca hay là bài Thánh ca được cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra, lần thứ hai người hát phải cầu nguyện để hát bài Thánh ca ấy. Ngài luôn tâm niệm: Viết Thánh ca không phải vì mục đích để lại những tác phẩm lưu danh. Hát Thánh ca không phải là dịp để phô trương tài năng của mình. Nhưng viết và hát thánh ca là để cầu nguyện với Thiên Chúa. Viết và hát thánh ca là vì Chúa, vì Giáo hội và vì cộng đoàn.

Khi cha Kim Long sáng tác hoặc giảng dạy là cha đang làm việc đặt lương tâm cha trước mặt Thiên Chúa. Cha đã nhận được nén bạc Chúa trao, và ước nguyện của ngài cố gắng hết sức sinh lợi nén bạc đó. Vì thế, ngài không bao giờ trông mong tiền tác quyền hay những lời khen ngợi mà chỉ mong có được nhiều người đồng cảm với mình để cùng hát lên và cầu nguyện bằng những bài thánh ca với trọn vẹn tấm lòng tin mến.

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Lm. Kim Long sáng tác

Sáng tác: Lm. Kim Long
TỪ CHỐN LUYỆN HÌNH - Lm. Nguyễn Sang Hợp âm dạo - Blues: [Em] | [Bm] | [E7] | [Am] | [C] | [C] | [Bm] | [Bm] [Em] | [Bm] | [Dm] | [Am] | [F] | [C] | [B]-[Em] | [Em] 1. Từ chốn [Em] luyện hình u tối. [G] Vọng tiếng bao li...
Sáng tác: Lm. Kim Long
BÀI CA NGÀN TRÙNG - Hoàng Oanh Hợp âm dạo (Blues): [Cm] | [Cm] | [Fm] | [Fm] | [Bb] | [Bb]  | [Eb] | [G] ĐK: [Cm] Đây bài ca ngàn trùng [Eb] dâng về [Fm] Thiên [Cm] Chúa, Bài [Eb/G] ca thắm nhuộm máu [Cm] hồng. Từng bao...