Thông tin về nhạc sĩ Lê Cao Phan
Nhạc sĩ Lê Cao Phan sinh năm Quý Hợi, 1923, tại làng Ngô Xá Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là một Phật tử thuần thành, một Huynh trưởng GĐPTVN cao niên. Kể từ Đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm – Huế vào hạ tuần tháng 4 năm 1951, nhất trí đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử và đã cử ông đảm trách Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên kiêm Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần.
Vào thượng tuần tháng 5 năm 1951, nhân Đại hội lịch sử Phật giáo Bắc-Trung-Nam tổ chức tại chùa Từ Đàm, ông đã sáng tác ca khúc Phật giáo Việt Nam với tất cả lòng nhiệt thành để chào mừng Đại hội. Kể từ khoảnh khắc này bài hát “Phật giáo Việt Nam” gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà.
Nhạc sĩ Lê Cao Phan xuất thân trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, khi ra đời tuy là một nhà giáo ngoại ngữ Anh, Pháp, nhạc họa nhưng với một trí tuệ sắc bén và nhất là đã không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức và tiến thân trên con đường văn học nghệ thuật, đa số là tự học.
Vê âm nhạc, ông sử dụng các loại nhạc cụ Tây phương như piano, guitar, harmonica và các loại đàn dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt ở trình độ phổ thông và đã ấn hành hàng mấy chục ca khúc giải trí và giáo dục thiếu nhi, xã hội và Phật giáo mà nổi bật tác phẩm Phật giáo Việt Nam.
Trên lĩnh vực hội họa, ông đã tổ chức triển lãm bốn phòng tranh sơn dầu trước năm 1975. Ngoài ra ông còn là một điêu khắc gia có nhiều tác phẩm điêu khắc bạn bè nhạc sĩ, các danh nhân và người thân trong gia đình. Đặc biệt, ông đã điêu khắc tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức ngay sau khi Bồ-tát vị pháp thiêu thân trong mùa Pháp nạn năm 1963.
Nhờ có trình độ vững vàng về tiếng Pháp, Anh mà nhất là còn phải nắm vững về cách gieo vần thơ các ngôn ngữ này, nhạc sĩ Lê Cao Phan đã dịch Truyện Kiều sang thơ vần tiếng Pháp, Histoire de Kiều, và sang thơ vần tiếng Anh, The Story of Kiều, cả hai dịch phẩm này đều được tổ chức UNESCO tài trợ và đưa vào bộ Sưu Tập Tác Phẩm Tiêu Biểu. Ông cũng đã dịch Truyện Kiều sang thơ vần Hán văn và Quốc tế ngữ Espéranto.
Ngoài ra, ông cũng đã dịch Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi sang thơ vần Việt-Anh-Pháp và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000. Ông còn có nhiều dịch phẩm và nhiều tập sáng tác thơ Đường luật.
Nhạc sĩ Lê Cao Phan được biết đến như một trong những cánh chim đầu đàn của dòng tân nhạc Phật giáo từ nửa đầu thế kỷ 20, bên cạnh các nhạc sĩ Phật tử như Bửu Bác, Ưng Hội, Lê Lừng, Thẩm Oánh, Nguyên Thông, Hoàng Cang, Lê Mộng Nguyên, Phạm Mạnh Cương… và nhiều tác giả khác. Ông là một huynh trưởng được rất nhiều người yêu mến với Pháp danh Quảng Hội trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Trước thập niên 50, ông từng cùng nhạc sĩ Lê Thương thành lập ban nhạc “Măng Non” cổ xúy cho dòng nhạc thiếu nhi với những bài hát như “Chuột cắp trứng”, “Hai chú gà con”, “Đám ma con Mèo”,” Bài ca tình bạn”, “ Ngựa tàu cau”… với những giai điệu đơn giản nhưng cô đọng, nội dung trong sáng và dí dỏm, dễ hát, dễ nhớ và rất dễ thương. Tuổi thơ ai đã từng hát những bài ấy hẳn sẽ bồi hồi nhớ lại, ấn tượng Nhạc Nhi đồng của Lê Cao Phan thật khó phai.
Cuộc đời đặt lên vai con người tài hoa ấy một lúc ba quang gánh: Trí thức, Nhà giáo và Nghệ sĩ. Đa tài trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa. Là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT), người nghệ sĩ áo lam với trái tim Lửa Dũng ấy luôn mang hoài bão dùng chiếc thuyền nghệ thuật nhỏ bé của mình để đưa các thế hệ thanh nhiên đi vào Đạo – dưới ánh sáng của Đức Từ Phụ, trong suốt hơn 60 năm kể từ những ngày đầu tiên khi tổ chức GĐPT mới thành lập.
Là một trí thức nhiệt tâm với phong trào chấn hưng Phật giáo, một người luôn trăn trở cho tương lai tuổi trẻ Việt Nam, ông đã đóng góp không mệt mỏi vào các hoạt động giáo dục thanh thiếu nhi. Và bằng tất cả lòng nhiệt huyết của một người anh trong tổ chức GĐPT, ông sử dụng âm nhạc như một phương tiện để đưa thanh thiếu nhi hướng đến lý tưởng sống phụng sự tha nhân. Ngoài những bài hát phổ biến và quen thuộc với đoàn sinh GĐPT như “Lòng hiếu chim Oanh Vũ”, “Tiến trong ánh vàng”, hay “Bài ca Lửa Dũng”…, nhiều bài hát của ông được chọn làm bài ca chính thức tại các trại huấn luyện GĐPT, như “Vườn Xanh” được chọn làm bài ca chính thức trại Lộc Uyển (bậc Kiên), “Đồng ca đoàn kết” được chọn làm bài ca chính thức của các trại A Dục (bậc Trì), và “Huyền Trang ca” được chọn làm bài ca chính thức của các trại Huyền Trang (bậc Định).
Có một ca khúc mà Lê Cao Phan chỉ tham gia viết lời, còn giai điệu do người bạn vong niên của ông, Nhạc sĩ Thẩm Oánh viết, đó là “Cao lời tâm ước”. Niềm mong ước sâu sắc trong tim, lòng tự hứa với lòng rằng: “những Phật tử chân chính phải cần kíp thống nhất ý chí, lực lượng để hoằng dương chính pháp của Đức Thích Ca Thế Tôn, hầu góp phần xây dựng nền hòa bình an lạc” (Trích “Lời hiệu triệu thống nhất Phật giáo”, ngày 10/4/1951).
“Cao lời tâm ước”, như một dự đoán về một sự kiện trọng đại sắp được diễn ra, sẽ được hình thành. Và “Cao lời tâm ước” như dọn đường, như tiền thân của một tác phẩm đặc biệt, sẽ hình thành từ chính người nghệ sĩ áo lam này: nhạc khúc Phật Giáo Việt Nam.
Mùa Phật Đản năm 1951, Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc đã diễn ra tại chùa Từ Đàm lịch sử (từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 5 năm 1951). Chính trong thời khắc thiêng liêng đó, hòa trong niềm hoan hỷ tột cùng của Phật giáo đồ cả nước, với niềm kính tín Tam Bảo và niềm xúc cảm dâng trào, trái tim Lửa Dũng cháy bỏng của người nghệ sĩ Áo Lam ấy đã rung lên từng nhịp trên thang âm ngũ cung – nhạc khúc thiêng liêng Phật giáo Việt Nam chính thức nhẹ bước vào đời: “Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Bắc Nam Trung từ nay. Nào cùng nắm tay kết nên một đài sen. Cùng làm sao cho đóa sen người đòi nơi ngát hương. Muôn phương thấm nhuần Phật Giáo Việt Nam.”
Cũng chính tại sự kiện trọng đại này, Đạo Kỳ ngũ sắc của Phật giáo – biểu tượng thiêng liêng gắn kết niềm tin, lý tưởng của những người con Phật trên khắp năm châu trong ánh hào quang của Đạo Pháp, đã chính thức được Hội Nghị công nhận.
Kể từ khi nhạc khúc Phật Giáo Việt Nam được công diễn lần đầu tiên trong dịp Bế mạc Hội nghị thống nhất Phật giáo, vào tối ngày 9 tháng 5 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, do nhóm đoàn sinh GĐPT thời bấy giờ được vinh dự trình diễn, không lâu sau đó, bài hát được đông đảo huynh trưởng, đoàn sinh yêu thích, phổ biến thông qua các buổi sinh hoạt GĐPT, đầu tiên từ Huế sau đó lan nhanh qua các tỉnh thành khác trong cả nước.
Tác phẩm này cũng được Chương trình Phát thanh Phật giáo Huế chọn làm nhạc hiệu trong các chương trình phát sóng ở Huế dưới hình thức hòa tấu, và nhờ thế, tác phẩm này được quảng bá rộng rãi hơn trên phương tiện truyền thông, không chỉ trong giới Tăng Ni, Phật tử mà lan rộng ra giáo giới, sinh viên học sinh, giới trí thức cũng như quần chúng bình dân.
Trong khoảng những năm 1964 – 1965, Nhạc khúc này được thu âm qua giọng ca của nữ ca sĩ Thái Thanh, với ban Hợp ca Thăng Long phụ bè trên sóng phát thanh. Đến khoảng năm 1970, bài hát này được Trung Tâm Hoa Đàm phát hành trên băng cassette C90, Mặt A với tựa “Băng Ca Nhạc Phật Giáo 5”. Chính giọng ca Thái Thanh cùng ban Hợp ca Thăng Long, với phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Nhạc khúc này đã thực sự gây nhiều xúc động cho nhiều người, nhiều giới, nhiều thế hệ.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc vào cuối tháng 11 năm 2007, nhạc khúc Phật Giáo Việt Nam của tác giả Lê Cao Phan chính thức được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam công nhận là Đạo Ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (theo Quy định tại Điều 4, Chương I, Hiến chương Tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN, kỳ VI, 2007).
Với mong muốn có được bản hòa âm phối khí chính thức cho Đạo Ca Phật Giáo Việt Nam của chư Tôn đức trong Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ Phật tử đã cùng tham gia thực hiện, trong đó có người con trai của cố huynh trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên – Huế đã kế tục lý tưởng của thân sinh mình qua việc viết phần Hòa âm Phối khí cho Đạo Ca, đầu tiên là bản sơ thảo viết cho dàn nhạc dây (strings). Sau đó, người đồng sự là nhạc sĩ Trương Ngọc Chiến (Học Viện Âm Nhạc Huế) đã hoàn chỉnh tổng phổ tác phẩm Đạo Ca thành bản Hòa âm Phối khí cho dàn nhạc Giao Hưởng. Đầu năm 2009, bản Đạo thiều và Đạo ca Phật Giáo Việt Nam chính thức được thu âm tại Huế, do các huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT, các nghệ sĩ cùng với một số giảng viên và sinh viên Học Viện Âm Nhạc Huế thực hiện.
Trong đêm Bế mạc Tuần Văn Hóa Phật Giáo 2009 tại Nha Trang, Ban Văn hóa Trung ương đã chính thức ra mắt bản hòa âm phối khí Đạo thiều và Đạo ca Phật giáo Việt Nam để sử dụng trong các nghi thức quan trọng của Giáo hội. Tác phẩm được toàn ban Văn nghệ cùng dàn đồng ca gần 100 huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT Nha Trang trình diễn đã làm vỡ òa xúc cảm của tất cả đại biểu trong hội trường.
Cũng trong dịp này, chư tôn đức Ban Văn hóa và những người thực hiện đã trực tiếp tham khảo ý kiến với chính tác giả để làm rõ sự chính xác tuyệt đối phần Nhạc và Lời của tác phẩm. Và chính tác giả cũng đã giải thích cho chúng tôi ý nghĩa của những ca từ được sử dụng trong tác phẩm. Ví dụ: “Cùng làm sao cho đóa sen người đòi nơi ngát hương” (chứ không phải “đóa sen ngời đời đời ngát hương” như vẫn thường hát); hoặc “Bao mối vui lành tràn lan hầu tan đau đớn” (chứ không phải một số bản ghi là “… hòng tan đau đớn”). Tác giả giải thích: “đóa sen người” tức mỗi người đều có “đóa sen tinh khiết” trong mình; và “đòi nơi” có nghĩa là khắp nơi (theo từ cổ vùng Quảng Trị), có nghĩa là phải cùng nhau làm sao để “hương sen” ấy lan tỏa khắp nơi.
Hơn 60 năm trôi qua, dòng Nhạc Lam vẫn mãi lưu hương trong trong Tâm, Trí của những người con Phật. Nhiều thế hệ nhạc sĩ, huynh trưởng đã và đang tiếp tục cống hiến, góp phần làm phong phú cho dòng nhạc Phật giáo nói chung và Nhạc Lam nói riêng. Hy vọng rồi đây, kế thừa những cánh chim Lam đầu đàn tiền bối, dòng nhạc Phật giáo sẽ ngày càng khởi sắc hơn, không chỉ trong lĩnh vực sáng tác mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, như hòa âm phối khí, chuyển soạn hợp xướng, dàn dựng, biên tập, thu âm để có được những tác phẩm có chất lượng đúng nhất, tốt nhất trong việc lưu trữ cũng như sinh hoạt và biểu diễn.
Khi tờ lịch đầu tiên của năm 2004 rơi xuống, cũng là ngày người anh Cả của Gia Đình Áo Lam chúng ta – Huynh trưởng Cấp Dũng Quảng Hội Lê Cao Phan, tự Nhuận Pháp, hiệu Tầm Phương đã xả báo thân về cõi Phật.
Dẫu Cánh Chim Lam đầu đàn đã khuất bóng cuối chân trời, nhưng những gì mà người huynh trưởng nhiệt huyết và tài hoa ấy của GĐPT Việt Nam vẫn mãi lưu dấu trong tâm chúng ta với Nhạc Khúc bất hủ, để lại cho lịch sử của Phật giáo nước nhà một khúc hát Đạo Thiêng, một viên ngọc vô giá: Đạo Ca Phật Giáo Việt Nam.
Nguồn : https://thanhthuy.me/, https://www.art2all.net/