Thông tin về ca sĩ Giang Trang
Giang Trang sinh năm 1981 tại Hải Dương, lớn lên ở Hà Nội và là một giọng hát – rất sinh viên – vì tính cách thể hiện nhạc Trịnh mộc mạc, thư thả, không gào thét bên những nhạc cụ đơn sơ là tiếng ghi-ta, tiếng vĩ cầm. Phong cách trình diễn đó làm nhiều người nhớ đến Khánh Ly với nhạc Trịnh của thập niên 1960.
Ngày nay giọng hát Giang Trang được nhiều sinh viên và giới trẻ yêu thích. Thời học ở Đại học Ngoại thương cô tham gia sinh hoạt quán Nhạc Tranh, một tụ điểm văn nghệ sinh viên và đã thực hiện một vài CD nhạc Trịnh, nhưng chỉ để tặng bạn bè. Mới nhất Giang Trang có CD “Lênh đênh nhớ phố” gồm mười ca khúc của Trịnh Công Sơn và đã chính thức giới thiệu với công chúng qua hai đêm hát tại Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace ở Hà Nội nhân dịp kỉ niệm sinh nhật thứ 73 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hôm 28 và 29/2/2012.
Tìm hiểu thêm về Giang Trang qua phỏng vấn của Bùi Văn Phú:
Bùi Văn Phú (BVP): Là người thích hát nhạc Trịnh, sắp đến ngày giỗ Trịnh Công Sơn lần thứ 11, cảm nhận lúc này của Giang Trang về nhạc sĩ ra sao?
Giang Trang (GT): Sắp đến ngày giỗ Trịnh Công Sơn lần thứ 11, em đang lắng nghe những âm thanh xung quanh đời sống này một cách chăm chú hơn vì không chỉ riêng em mà rất nhiều người đang nhớ tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với em, vì không có duyên được gặp ông lúc sinh thời, nên những cảm nhận của em về người nhạc sĩ này đơn thuần là cảm nhận của một người nghe tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ từ một tác giả. Mỗi lần có cơ hội được hát nhạc của ông là mỗi lần em được vào vai một người kể chuyện. Mỗi lần kể chuyện là thêm một lần em được chia sẻ với người nghe về sự đồng vọng của riêng cá nhân mình với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Cảm nhận lúc này của em về ông có lẽ đó là: một con người giản dị, tri túc, và rất biết cách chia sẻ với đồng loại.
BVP: Giang Trang nghe nhạc Trịnh lần đầu khi nào và có còn nhớ bài nhạc đã cho mình những cảm nhận không quên cho đến nay?
GT: Ấn tượng mạnh nhất đến với em chính là lần tình cờ nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự đàn và hát cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội vào khoảng năm 1993. Khi đó, chị em vốn là sinh viên trong trường, chở em vào trường và không nói trước là đi nghe nhạc gì. Hai chị em đến muộn, vào đúng lúc nhạc sĩ đứng trên bàn và được vây quanh bởi rất nhiều sinh viên trong một giảng đường không quá rộng, nhạc sĩ đang đàn và hát những ca từ “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…”. Nghe giọng hát và ca từ em đã bị thu hút và ngay lập tức băn khoăn: Quái nhỉ! sao cái ông này gầy còm và nhỏ bé thế, giọng hát thanh thanh đơn giản thế, mà có sức hấp dẫn thật ghê gớm. Em quay sang hỏi chị: Đây là ai hả chị? Chị cười: Trời ơi, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tác giả của cuốn Sơn Ca 7 mà bố mình hay mở ra nghe, chị chưa nói với em à?
Lúc đó em đã xúc động, vì sự giản dị của người biểu diễn và vì ca từ trong bài hát lần đầu tiên em được nghe, đủ để làm em vui lên và buông bỏ cảm giác nằng nặng trong lòng, cảm giác thương bố mẹ, thương chị đã luôn phải vất vả vật lộn với cuộc sống. Em đã nhớ cảm giác vui lên trong buổi tối hôm đó, và nhiều lần tự nắm lấy tay mình thầm nhủ “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng” để giữ mình lạc quan, hồn nhiên, nghịch ngợm như mọi đứa trẻ khác, và cùng gia đình vượt qua khoảng thời gian sóng gió đã đến ngay sau đó…
BVP: Bố là người đã mang nhạc Trịnh đến với Giang Trang, câu chuyện này như thế nào?
GT: Em tình cờ thấy trong nhà có Sơn Ca 7 và những cuốn băng nhạc khác cùng thời kỳ đó. Trong câu chuyện âm nhạc, hay văn chương nghệ thuật nói chung, em rất biết ơn bố khi bố không bao giờ đưa ra những định kiến hay sự áp đặt về mặt tư tưởng. Bản thân em trước khi biết rằng mình đã thật sự gặp, quen, thân, rồi yêu âm nhạc Trịnh vào tuổi 20 thì trước đó, thậm chí sau năm 1993 có dịp nghe nhạc sĩ chơi nhạc, em không quá quan tâm đến nhạc Trịnh, và lớn lên với nhạc Rock với ghi-ta cổ điển.
Nhìn lại quá trình này, em thấy em đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn một cách tình cờ. Em đến đó, trước tiên bằng chính những giai điệu, bằng chính những ca từ, bằng chính đời sống riêng của từng ca khúc, thậm chí suốt nhiều năm em không muốn tìm hiểu và đọc về thân thế tác giả. Đó là một sự gặp gỡ tình cờ, tìm hiểu, và cảm thấy thân thiết với âm nhạc của ông theo một cách tự nhiên, đầy bản năng. Đối với em âm nhạc Trịnh Công Sơn là một người bạn, từ tình cờ gặp đến quen biết hơn rồi thành thân yêu, và hành trình em tìm đến với người bạn đó là hành trình tìm đến với cái đẹp, với sự xúc động để nhận ra rằng em còn tin vào những điều tốt đẹp, những điều tử tế luôn tồn tại trong đời.
BVP: Trên trang mạng riêng của mình, Giang Trang có nhắc đến Ca dao mẹ. Hình ảnh người mẹ ru con để lại ấn tượng gì cho mình?
GT: Em rất động lòng trước hình ảnh người mẹ ru con. Thân phận người con gái Việt như em thấy gợi lên một sự chở che, thì nhu cầu chở che của một người phụ nữ ngồi bên cánh võng ru con còn lớn hơn nhiều. Cái bấp bênh, cái lênh đênh như nhân lên vài phần. Ru con mà thấy từ “xót xa đời mình” đến “bấp bênh phận người”, và nhận ra chiến tranh là ngục tù. Đó quả thực là “tiếng hát lênh đênh” của một kiếp người trong thời loạn lạc. Phút giây người mẹ nhìn thấy con biết đi cũng là phút giây người mẹ bàng hoàng lo lắng. Có thể là nỗi lo rằng sau những bước chân đầu tiên của con là những bước chân vào đời, mà lo sao cho những bước chân vào đời của con liệu sẽ ra sao khi cuộc đời nhiều loạn lạc.
BVP: Là một phụ nữ, theo cách nhìn riêng Giang Trang thấy hình ảnh thiếu nữ Việt trong nhạc Trịnh ra sao?
GT: Hình ảnh thiếu nữ Việt trong nhạc Trịnh đẹp một cách mộng mơ như “em qua công viên mắt em ngây tròn” trong Nắng thủy tinh, mong manh như hình ảnh “tôi xin em năm ngón tay thiên thần, trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi” nơi Lời buồn thánh; đẹp một cách bâng quơ như hình ảnh “em đi qua cầu, chở chiều trên vai, ngậm buồn trên môi” trong Em đi trong chiều; đẹp một cách gầy guộc “như cánh vạc về chốn xa xôi” với Như cánh vạc bay. Ấn tượng chung về người con gái Việt trong nhạc Trịnh, với em, là đẹp, mong manh và vô thường.
BVP: Có bao giờ Giang Trang nghe những ca từ: “Người con gái Việt nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín… Người con gái chợt ôm tim mình, trên da thơm vết máu loang dần”?
GT: Người con gái Việt Nam da vàng nằm trong nhóm các ca khúc của Trịnh Công Sơn mà em thích. Trong những năm tháng chiến tranh và chia cắt, hình ảnh đấy đã đại diện cho hàng triệu người con gái Việt với những đau thương riêng trong cùng một chặng đường đầy máu và nước mắt của đất nước.
BVP: Chắc Giang Trang có biết đến những ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc trước năm 1975 mang tính phản chiến, Giang Trang có được tiếp cận với dòng nhạc này và nhận xét riêng ra sao?
GT: Với riêng em, em quan niệm rằng tất cả những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều là những bản tình ca. Chữ Tình ở đây không bị giới hạn chỉ bởi tình yêu nam nữ, mà em cho rằng đó là tình người, là tình yêu thương chia sẻ cảm thông giữa con người với con người, giữa thân phận với thân phận, là tình anh em, là tình đồng bào và tình yêu với đất mẹ. Như ông đã từng viết, “sống giữa đời này chỉ có Thân phận và Tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng”.
BVP: Cũng trên trang mạng riêng, ngày 22/10/2008, Giang Trang ghi lại bài Gia tài của mẹ và cho in đậm những ca từ như: “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn”, “Dạy cho con tiếng nói thật thà, mẹ mong con chớ quên mầu da”, “Gia tài của mẹ, một bọn lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình”… Giang Trang muốn nhắn gửi điều gì đến bạn đọc?
GT: Trang mạng cá nhân của em thực ra không viết tới bạn đọc, mà viết cho chính bản thân mình. Em ghi lại đó những gì trong giây phút ấy làm mình xúc động hay em thấy đồng cảm.
BVP: Nối vòng tay lớn là một bài đồng dao phổ biến của Trịnh Công Sơn, gần đây một số ca nhạc sĩ đã thể hiện bài hát qua một phong cách rất mới, Giang Trang có ý kiến gì không?
GT: Em có nghe Nối vòng tay lớn theo phong cách Rock và thấy thú vị.
BVP: Thời sinh viên Giang Trang hay hát ở quán Nhạc Tranh và nơi đây đã để lại cho chính bản thân nhiều kỉ niệm văn nghệ. Trong trí tưởng tượng của Giang Trang hình như có những nét giống nhau giữa Nhạc Tranh và Quán Văn ngày trước ở Sài Gòn?
GT: Nhạc Tranh và Quán Văn có điểm tương đồng. Đó là địa điểm lui tới thường xuyên của sinh viên, đặc biệt là sinh viên thuộc các trường đạo tạo liên quan đến văn hóa nghệ thuật, văn học, báo chí – và trở thành một tụ điểm âm nhạc quen thuộc cho sinh viên. Thời còn là sinh viên đến Nhạc Tranh, thú thực em có nghe mọi người nhắc đến Quán Văn nhưng không tò mò tìm tư liệu để hiểu về chỗ đó. Gần đây, năm 2010 em có đọc một tài liệu nói về sự hình thành của Quán Văn ở Sài Gòn thời thập niên 1960 và em mới nhận ra Nhạc Tranh cũng mang dáng vẻ thô sơ, nghệ sĩ và rất sinh viên như thế. Những điểm tương đồng nếu có, em nghĩ, đều là do “chất sinh viên” mà thành, và là kết quả của nhu cầu chia sẻ giữa người trình diễn với người lắng nghe.
Em nhớ lại thì thấy rằng đêm nhạc tưởng nhớ tròn 100 ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Để gió cuốn đi – 2001) là dấu mốc đưa Nhạc Tranh trở thành địa điểm đầu tiên tại Hà Nội thường xuyên trình diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn thứ Tư hàng tuần. Nhưng trước đó Nhạc Tranh đã nổi tiếng là địa điểm duy nhất tại Hà Nội diễn ra các đêm trình diễn Ghi-ta cổ điển Chủ Nhật đều đặn hàng tuần với những tên tuổi như: Hải Thoại, Văn Vượng, Phạm Văn Phúc, Quang Tôn. Một số nghệ sĩ ghi-ta cổ điển trẻ bấy giờ như Quang Vinh, Nguyệt Cầm, Lê Thu, Tuấn Khang, Xuân Thịnh… cũng đã trưởng thành từ đây.
BVP: Hành trình âm nhạc của Giang Trang như thế nào và Nhạc Tranh đã để lại những kỉ niệm gì?
GT: Từ nhỏ em có học ghi-ta cổ điển nhưng chỉ theo được một năm rưỡi rồi nghỉ, và bỏ luôn một mạch từ năm 13 tuổi do hoàn cảnh gia đình em lúc đó, và tính em khi nhỏ rất cực đoan.
Ngày sinh viên năm thứ 2, năm 2001, em hát nhạc Văn Cao ở Đại học Ngoại thương đạt giải Nhất. Nhưng em lười tham gia các hoạt động ca hát, rất lười, ngay việc sinh hoạt văn nghệ ở đại học, đạt giải xong là em trốn. Sau này em đến Nhạc Tranh hát cũng là tình cờ, coi hát như một phương tiện để tâm sự, do vậy em cứ túc tắc thầm lặng và chưa tự đánh giá cao khả năng hát của mình. Sau đó bạn bè đến Nhạc Tranh nói chuyện và thế là em hát vui. Những kỷ niệm ca hát đáng nhớ nhất là các đêm nhạc ở Nhạc Tranh, và một lần em được nghệ sĩ ghi-ta Lê Thu rủ đi hát nhạc Trịnh Công Sơn cho một nhóm sinh viên Mỹ nghiên cứu về văn hoá Việt.
BVP: Yêu thích nhạc Trịnh, Giang Trang có thể cho biết tên một vài cuốn sách hay bài báo viết về Trịnh Công Sơn đã đọc và có để lại nhiều ấn tượng.
GT: Em rất thích góc nhìn về âm nhạc Trịnh Công Sơn dưới ngòi bút của Giáo sư Cao Huy Thuần. Bài phỏng vấn để lại ấn tượng sâu đậm trong em về câu chuyện giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chính là cuộc phỏng vấn do anh đã thực hiện dưới nhan đề “Khánh Ly: Tôi chỉ là cái bóng theo anh Sơn đến cuối đời”. Em rất xúc động sau khi đọc bài phỏng vấn này, có vài ngày suy nghĩ xung quanh câu chuyện đó mà không dứt ra được. Em rất yêu không gian nhạc Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly, như yêu một vẻ đẹp vĩnh viễn sẽ không mất đi giá trị.
BVP: Khi chọn thể hiện một bài hát của Trịnh Công Sơn, Giang Trang có đặt tiêu chí không?
GT: Em không bó hẹp mình vào một tiêu chí nào cụ thể. Nhưng tính cách của em là muốn tìm kiếm những bóng nắng hy vọng trong âm nhạc Trịnh Công Sơn để hướng tới sự thư giãn sau một câu chuyện kể. Cho dù là để kể một câu chuyện, một bản tình ca không có hạnh phúc thì cũng là để nguôi ngoai đi, là để vơi dần đi những sự bấp bênh, những sự lênh đênh thường thấy trong một kiếp người.
BVP: Nếu được yêu cầu hát một bài nhạc Trịnh lúc này, Giang Trang sẽ chọn bài nào?
GT: Hiện tại em thấy mình đồng cảm nhiều với ca khúc Vườn xưa.
BVP: Bài hát chắc phải có những dấu ấn in đậm trong tâm hồn Giang Trang?
GT: Ngay những ca từ đầu tiên em đã thấy một khu vườn đẹp của tâm trí được thể hiện qua ngoại cảnh:
Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông
Trời chợt nắng vườn nhiều lá non
Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng…
Và nhân vật với câu chuyện, mà đâu đó như đang kể thay cho chúng ta:
Với những thuyền buồm lớp lớp ra sông
Xin có lời mừng giữa chén rượu nồng
Với những cuộc tình bão tố lênh đênh
Xin có một lần uống chén muộn phiền…
Mãi rồi cũng đến ngày tự nhiên riêng bản thân em thấy mọi sự buồn trong chuyện kể qua ca từ của Trịnh Công Sơn cũng đều đẹp. Cái đẹp hiển hiện rất rõ trong âm nhạc của ông. Ở hoài niệm, ở ngay những sự dang dở không có kết cục. Ở ngay sự bâng quơ trong tịch lặng. Ở những nỗi buồn mà vẫn cứ đẹp chứ không trở thành một gánh nặng bế tắc. Giản dị, khúc chiết – giống như ta ngắm nhìn một vườn thiền vậy. Hát lên em thấy thanh thản và nhẹ nhõm.
BVP: Giang Trang có những CD nào rồi?
GT: Trước đây em có thu 2 bản nháp, thu một cách tình cờ và ngẫu hứng. Ở các bản thu này, những người đệm đàn là những người đã cùng em sinh hoạt văn nghệ tại Nhạc Tranh. Hai lần thu đó, giống như hai lần đi “chụp ảnh kỷ niệm”, khi thu không có sự chuẩn bị tập hay tập luyện kỹ lưỡng vì lúc đó em quan niệm hay dở không quan trọng bằng việc lưu giữ lại cảm xúc sau một giai đoạn đàn hát với nhau tại Nhạc Tranh.
Hai CD nháp đó là “Vẫn có em bên đời” làm năm 2001 với 9 ca khúc của Trịnh Công Sơn. Năm 2007 làm một CD nháp nữa, tựa “Lời ở phố về” cũng gồm 9 ca khúc.
Ngày đó, em có làm bìa, thiết kế vui, cho “Vẫn có em bên đời” và in 30 bản đem tặng bạn bè thân. Đến “Lời ở phố về” em không làm bìa và chỉ copy CD để chính thức tặng 2 người bạn. Khi thu xong, mãi năm 2006 em mới chủ động đưa lên account esnips – một chỗ em nghĩ rằng khá “kín đáo” để giữ lại những ca khúc đó, đề phòng máy tính hỏng. Nhưng thực tế các bản thu nháp này đã được lan truyền từ lâu trên mạng, được bạn bè truyền tay nhau nghe và upload lên… Em rất cám ơn Internet đã trở thành phương tiện để em được đón nhận nhiều sự chia sẻ, và cũng biết cách chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Bây giờ thì em rất cám ơn Facebook, đã cho phép cuộc sống offline (ngoài đời) dịch chuyển lên online (không gian ảo), rút ngắn khoảng cách địa lý và người có thể gặp gỡ chia sẻ với người.
BVP: Lênh đênh nhớ phố là CD mới nhất và chính thức được phổ biến. CD đã được những người yêu thích giọng hát Giang Trang đón nhận ra sao?
GT: Em chính thức phát hành lần đầu tiên CD này vào ngày sinh nhật lần thứ 73 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hai đêm nhạc “Lênh đênh nhớ phố” (28 và 29/2/2012) tại L’Espace – Trung tâm văn hóa Pháp. Dịp đó em nhận được nhiều lời chia sẻ từ phía người nghe và cảm thấy rất hạnh phúc.
BVP: Tựa Lênh đênh nhớ phố gói ghém điều gì?
GT: Tựa đề này xuất phát từ một cảm giác của riêng bản thân em. Em tìm thấy một phần của chính mình trong ca từ nhạc Trịnh. Em luôn thích những dòng sông, thích đi bộ dọc một triền sông, vì ở đó em tìm thấy sự tĩnh tại và có cảm giác được vơi bớt những muộn phiền.
“Lênh đênh” là từ xuất hiện trong nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn, là từ em muốn dùng để gợi mở ra một không gian dòng sông từ cảm giác của riêng bản thân mình. Nhưng nhiều hơn nữa, “lênh đênh” là một trạng thái thường gặp của những người dấn thân trong nghệ thuật, và thậm chí của tất cả mọi người, là thân phận từng người đã sinh ra trong cuộc đời này. Nó gợi về sự bấp bênh, sự trôi chảy của thời gian, hoài niệm và tuổi trẻ, tình yêu, của đời sống giữa guồng quay “phố xá đông vui” – không gian phố, không gian của hẹn hò và kỷ niệm trong âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng là trong ngay chính đời thường này.
BVP: Theo nhận xét riêng, giọng hát Giang Trang đơn sơ, trầm ấm và có sức quyến rũ, thế Giang Trang có định theo nghề ca hát?
GT: Âm nhạc đã luôn luôn và ngày càng trở thành người bạn đường thân thiết của em. Nhưng cho đến giờ phút này em không đến với ca hát như một việc chọn nghề, mà cá nhân em có nhu cầu trưởng thành với nghệ thuật. Và nghệ thuật là phương tiện để em chia sẻ với gia đình, bạn bè, khán giả.
BVP: Là người của thế hệ 8X và yêu thích nhạc Trịnh, Giang Trang có thể chia sẻ nhận xét riêng về nhạc và con người Trịnh Công Sơn.
GT: Em thấy âm nhạc Trịnh Công Sơn như một dòng nước chảy qua cõi đời, không bị bó hẹp bởi những định nghĩa cứng nhắc hay chuẩn mực duy nhất. Mỗi người đến bên dòng nước đó sẽ đem theo một chiếc bình của riêng mình để tìm thấy và định dạng trạng thái cảm xúc. Với cá nhân em, em thấy cho dù người nghe tưởng rằng đang đi trong một câu chuyện kể bàng bạc nhất, hoang vắng nhất, thậm chí khổ đau, sợ hãi hay căng thẳng thì phần kết của câu chuyện luôn là một sự an ủi trong bình yên và vắng lặng. Ở thế giới đó em nhìn thấy những giá trị tốt đẹp giữa con người với con người, không có ganh đua, bon chen, tị hiềm, chỉ còn lại sự lắng nghe trong yêu thương, thông cảm và tự thả trôi đi những muộn phiền.
Như em đã nhận xét ở lúc đầu, em cho rằng Trịnh Công Sơn là một người rất biết cách chia sẻ với đồng loại. Những giai điệu của nhạc Trịnh không chỉ vang lên trên sân khấu hay từ những dàn âm thanh đắt tiền mà phần lớn hơn, lớn hơn nhiều, những giai điệu đó vang lên trên các hành lang ký túc xá, giữa những quán rượu, hay chính từ miệng người huýt sáo bâng quơ… Giai điệu của nhạc Trịnh mộc mạc và giản dị, nên đó chính là cơ hội cho những người đến sau đào sâu và sáng tạo, để tìm phương tiện kể tiếp câu chuyện theo một ngôn ngữ gần gũi hơn với đời sống hiện tại.
Em cho rằng đối diện với âm nhạc Trịnh Công Sơn cần sống thật trong từng cảm xúc.
BVP: Cám ơn Giang Trang đã chia sẻ cảm xúc riêng. Chúc Giang Trang những niềm vui.
GT: Cám ơn anh Bùi Văn Phú đã dành cho em cơ hội để tâm sự với bạn đọc và khán giả.
Nguồn : https://buivanphu.wordpress.com