Thông tin về nhạc sĩ Ns A Mư Nhân
NSƯT A Mư Nhân là một trong số không nhiều nghệ sĩ hiện nay có khả năng tự biên tự diễn những ca khúc mang chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống dân tộc Chăm một cách chuyên nghiệp, gặt hái nhiều thành công trong cả hai vai trò ca sĩ và nhạc sĩ.
Anh đã trình làng âm nhạc 3 album riêng với những ca khúc do chính mình sáng tác và trình bày: Điệu ru đất tháp, Bhum palei, miền đất tháp, tạo được ấn tượng trong lòng công chúng yêu ca nhạc cả nước.
Vốn rất yêu ca hát và sáng tác, nên A Mư Nhân đã sớm tham gia hoạt động âm nhạc và thành lập nhóm ca nhạc Đồng Xanh đi biểu diễn phục vụ cộng đồng dân tộc Chăm khắp các vùng trong tỉnh Ninh Thuận. Năm 1983 anh về nhận công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với công việc chính là sưu tầm âm nhạc truyền thống dân tộc Chăm. Những điệu hát giã gạo (doh thok prah), hát đối đáp (doh damra), hát vãi chài (doh po6chjan) và tiếng trống ghi năng, paranưng, kèn sarani hòa nhịp trong những vũ điệu kroong, potra, mâng độc đáo, đặc sắc trong các lễ hội Katê đã làm anh xao động, đam mê. Chính những ngày đi sâu vào sưu tầm tìm hiểu vốn âm nhạc truyền thống dân tộc mình đã tạo cho anh những súc cảm trong sáng tác ca khúc.
Từ đó, những ca khúc mang âm hưởng âm nhạc truyền thống Chăm của anh càng tạo được ấn tượng. Các ca khúc: Làng Chăm ơn Bác, Ngày hội Katê, Ápsara vũ nữ Chăm…lần lượt ra đời và ngay lập tức được công chúng yêu ca nhạc nồng nhiệt đón nhận. Với những ca khúc tự biên tự diễn này anh đã gặt hái nhiều thành công, đoạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các cuộc hội diễn nghệ thuật quần trung trong tỉnh và toàn quốc. Đặc biệt là ca khúc Làng Chăm ơn Bác, ngay từ khi ra đời (1985), đã gây được tiếng vang, đoạt huy chương vàng tại Hội diễn tiếng hát Làng Sen lần thứ nhất ở TP. Vinh, Nghệ An (5/1985). Làng Chăm ơn Bác là một trong những ca khúc gắn liền với tên tuổi sự nghiệp sáng tác, biểu diễn của người nghệ sĩ đa tài A Mư Nhân. Sau gặt hái thành công ấy, anh càng vững lòng tin hơn để dấn thân vào con đường nghệ thuật âm nhạc mà mình đã lựa chọn.
Tạm biệt vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận đầy nắng và gió, anh vào TP. HCM theo học tại khoa sáng tác hệ đại học (Nhạc viện TP.HCM) và tốt nghiệp vào năm 1996. Từ đây, anh chính thức bước vào sự nghiệp sáng tác, biểu diễn chuyên nghiệp một cách vững vàng và gặt hái những thành công mới. Năm 1999, tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, anh đã tạo được dấu ấn khó phai trong lòng công chúng, khi anh sáng tác nhạc cho màn múa mở đầu cho chương trình Miền đất nắng của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Ninh Thuận. Gặp anh trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Đắk Nông vào hồi tháng 5/2012, dù đã bước vào tuổi 60, nhưng xem ra ngọn lửa đam mê sáng tác, biểu diễn trong anh vẫn rực cháy.
Trong câu chuyện chân tình cởi mở, anh bộc bạch rằng, đối với anh hiện nay được sáng tác và biểu diễn những ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm cho đồng bào các dân tộc anh em thưởng thức là một niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời anh, cuộc đời của một người con Play Chăm luôn cháy bỏng sự đam mê ca hát.
Đến nay sự nghiệp sáng tác và biểu diễn của anh đã được ghi nhận với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Nhưng anh bảo, cái chính không phải ở danh hiệu mà phải là sự đón nhận và yêu thích của công chúng dành cho mình. Anh thực sự đã góp sức sưu tầm, bảo tồn, phát huy, chuyển tải cả hồn cốt âm nhạc truyền thống Chăm vào âm nhạc của mình một cách thật nhuần nhuyễn và mới mẻ. Chính vì thế anh là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Chăm vốn có một nền văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng từng phát triển rực rỡ và độc đáo.
Lương Định/ Lao động và Xã hội