Thông tin về nhạc sĩ Nhật Bằng
Nhạc sĩ Nhật Bằng
Nhạc sĩ Nhật Bằng là một nhạc sĩ tiền chiến Việt Nam trước 1975.
Tiểu sử
Nhật Bằng sinh năm 1930 ở Hà Nội. Ông theo học trường Bưởi và kết thân với 2 nhạc sĩ cùng thời cũng rất nổi tiếng là Phạm Đình Chương và Vũ Đức Nghiêm.
Năm 1946, ông cùng gia đình tản cư vào Thanh Hoá. Tại đây, ông học hòa âm và đàn piano với nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt.
Năm 1950, ông trốn gia đình về Hà Nội học. Sang năm sau, ông và 3 người em thành lập ban hợp ca "Hạc Thành". Thời gian này, Nhật Bằng viết một số ca khúc như "Khúc nhạc ngày xuân", "Ánh sáng đồng quê", "Dạ tương tư sầu", "Một chiều thu"…
Sang năm 1952, ông gia nhập ngành quân nhạc cùng các nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Đan Thọ… Đến năm 1954 thì ông theo trường quân nhạc dời vào Nha Trang. Trong thời gian này ông đã cho ra đời những ca khúc như "Vọng cố đô", "Tiếng vọng rừng xanh"… Trong số này có vài ca khúc viết chung với Đan Thọ.
Đến năm 1956, Nhật Bằng vào Sài Gòn. Thời gian đầu ông làm việc trong Đài phát thanh Quân đội của VTVN. Ở đây, ông thành lập ban tam ca nam ngộ nghĩnh chuyên trình bày những ca khúc vui tươi "Đô Si La" với Văn Phụng, Anh Ngọc. Ban nhạc chiếm được cảm tình của khán thính giả qua cách trang phục lạ mắt với những chiếc áo nhiều màu sắc sọc carô hay những hình vẽ chim cò sặc sỡ. Có thể nói, cùng với những nhạc sĩ di cư từ miền Bắc vào Nam khác như Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Trịnh Hưng, Đan Thọ… nhạc sĩ Nhật Bằng đã góp công tạo nên một nền âm nhạc tiền chiến phong phú.
Có một thời gian, Nhật Bằng phục vụ cho phòng Văn nghệ thuộc Cục Tâm lý chiến với cấp bậc chuẩn úy. Năm 1968, Nhật Bằng được trao giải sáng tác nhạc quân đội hay nhất năm với bài "Chiến sĩ ca". Ngoài phục vụ quân đội ông còn còn cộng tác với các vũ trường và câu lạc bộ. Tiêu biểu là Vũ trường "Đêm màu hồng" chung với Nguyễn Hiền, Nghiêm Phú Phi.
Từ năm 1969 Nhật Bằng ngừng hẳn việc sáng tác sau khi đã sáng tác gần 100 bài hát đủ thể loại.
Năm 1975, ông bị đi tù 7 năm vì có phục vụ trong ngành Tâm lý chiến. Sang năm 1986 ông cùng nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu và một số nhạc sĩ trẻ khác ôm đàn đi diễn nhạc tiền chiến tại một số nơi như trường đại học, khách sạn sau khi những nhạc phẩm này được cho phép.
Sang năm 1990, Nhật Bằng và gia đình được sang Mỹ định cư tại tiểu bang Virginia theo diện HO. Bốn người con của ông sau này thành lập ban nhạc "The Blue Ocean" nổi tiếng chơi cho các trung tâm băng nhạc hải ngoại. Năm 1998 ông có về thăm quê Thanh Hoá.
Ông mất ngày 7/5/2004.
Sáng tác
- Ánh sáng đồng quê
- Ánh sáng miền Nam (Nhật Bằng & Xuân Lôi)
- Anh về một mùa trăng
- Bóng chiều tà
- Bóng người chiến sĩ
- Bóng quê xưa (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Chiến sĩ ca
- Chiều nhớ quê
- Chờ anh em nhé (Nhật Bằng & Xuân Tiên)
- Cùng một mái nhà (Nhật Bằng & Xuân Tiên)
- Dạ tương sầu
- Đàn vui (Nhật Bằng & Thanh Nam)
- Đợi chờ (Hoa trăng)
- Hãy hát cùng tôi (Nhật Bằng & Thanh Nam)
- Hãy trả lời em đi anh (Trần Thiện Thanh & Nhật Bằng & Đào Duy)
- Hãy quên niềm thương nhớ
- Hương quê (Nhật Bằng & Huy Hiếu)
- Kỷ niệm buồn (Nhật Bằng & Trần Thiện Thanh)
- Khúc nhạc ngày xuân
- Khúc nhạc ngày xanh
- Lỡ làng
- Mai ngày anh về
- Mái tranh chiều
- Một chiều thu
- Mùa đông tuyết trắng
- Mùa ly biệt
- Mưa đầu mùa
- Nàng tiên trắng
- Nhịp sống miền Nam
- Nước mắt quê hương này
- Sau lũy tre xanh
- Thu ly hương (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Thuyền trăng (Nhật Bằng & Thanh Nam)
- Tiếng đàn trong đêm
- Tình nghệ sĩ (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Về làng cũ (Nhật Bằng & Xuân Lôi)
- Vọng cố đô (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Ý nhạc ngày xanh (Nhật Bằng & Thanh Nam)
Khác
Năm 1947, Nhật Bằng viết ca khúc đầu tay là Hoa trăng ở Thanh Hoá để ghi nhớ mối tình thời học trò của ông ở Hà Nội. Khi Phạm Đình Chương đem vào Nam phổ biến thập niên 1950 đã đề nghị đổi tên thành Đợi chờ.
Theo wikipedia.org