Thông tin về nhạc sĩ Nguyễn An
Sinh năm 1930 tại thị trấn Ninh Giang (Hải Dương), Nguyễn An bước vào cách mạng từ khi súng nổ tại Hải Phòng ngày 19.11.1946. Lúc ấy, ông ở Huyện đoàn Ninh Giang. Năm 1949, nhờ khả năng âm nhạc, ông tham gia Đoàn tuyên truyền văn nghệ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu III, vừa chơi đàn vừa sáng tác.
Từ năm 1951, ông vào bộ đội và hoạt động trong đoàn văn công Đại đoàn Đồng bằng, đi khắp vùng địch hậu Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… Những bài hát đầu tiên của Nguyễn An như “Dáng cờ”, “Cô gái Sơn Tây” và đặc biệt là “Về đồng bằng”… đã ghi tên Nguyễn An vào lịch sử âm nhạc thời chống Pháp.
Ca khúc viết về nhịp gặt lúa hối hả của đồng bằng Bắc Bộ giữa tầm súng địch. Nhờ “Về đồng bằng”, cặp mắt xanh của những đàn anh âm nhạc đã đưa ông về đoàn II văn công Tổng cục Chính trị. Nhưng sau ngày giải phóng thủ đô, Nguyễn An lại được cử trở về đoàn văn công Đại đoàn Đồng bằng bị tiếp quản vùng 300 ngày Hải Phòng.
Nếu sự kiện giải phóng thủ đô có rất nhiều ca khúc như “Ngày về” (Lương Ngọc Trác, thơ Chính Hữu), “Hà Nội giải phóng” (Nguyễn Văn Quỳ) và đến nay vẫn ghi nhớ là “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, thì để giải phóng Hải Phòng, đến nay người Hải Phòng vẫn chỉ biết đến một “Tiến về thành Tô” của Nguyễn An. Lúc ấy, Hải Phòng được gọi là “Thành Tô Hiệu”.
Bản hành khúc giải phóng Hải Phòng đã vang lên hào sảng qua giai điệu Nguyễn An: “Vinh quang thay rợp trời muôn bóng cờ / Lớp lớp quân trên đường đang tiến về thành Tô…”. Còn nguyên trong tôi ký ức tuổi thơ khi cùng mẹ ra đường đón quân ta về đất cảng. Bản hành khúc còn trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. Khi “Tiến về thành Tô” còn dư âm trong tâm trí bao người dân cửa biển “Hải tần phòng thủ” thì tác giả của nhạc phẩm ấy lại chuyển về đoàn văn công Công an Nhân dân vũ trang do lòng yêu quý của tướng Phạm Kiệt – Tư lệnh trưởng thời bấy giờ.
Năm 1971, Nguyễn An cởi áo lính về làm lãnh đạo Ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói VN. Dù không được đi du học âm nhạc ở nước ngoài, với tình yêu âm nhạc, Nguyễn An vẫn tự học miệt mài để có thể viết nhạc múa như: “Múa Chư”, “Múa Tây hẩy”, “Con ngựa bất kham”, “Tiếng sáo lạ” khi ở đoàn văn công Công an Nhân dân vũ trang, rồi những tứ tấu đàn dây, khúc biến tấu cho kèn clarinette và piano và đặc biệt là nhạc phim “Giới tuyến”, “Thơ giao hưởng”, “Đường ra tiền tuyến”. Nhờ tình yêu âm nhạc, Nguyễn An đã cùng đồng nghiệp phát hiện ra rất nhiều tài năng âm nhạc mới sau này…
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, cứ nghĩ Nguyễn An đã yên vị là một nhạc sĩ thẩm định âm nhạc của đài, sự thăng hoa đã đưa ông tới một ca khúc hết sức bay bổng và tài hoa là “Âm thanh ngày mới”: “Âm thanh mới vang lên / Trong niềm tin ngày mới / Trong trời mây thiết tha / Non sông yêu dấu của ta / Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam / Chặng đường mới thênh thang / Niềm vui trong đáy mắt long lanh / Anh có nghe chăng âm thanh ngày mới / Những tiếng ca xưa cha ông vọng tới…”. Ca khúc đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng ngày ấy hát vang ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là Hữu Nội.
Nguyễn An từng nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN (1960, 1995) và của Tổng cục Chính trị (1984). Ông đã nhận nhiều huân – huy chương nhà nước, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II (2007).
<>Nguyễn Thụy Kha
Nguồn : Lao Động