Thông tin về nhạc sĩ Kiên Giang
Kiên Giang (sinh năm 1929) là một trong các nghệ danh của nhà thơ, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím“. Ông còn được xem là thầy của 2 soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều – Hoa Phượng.
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943 ông theo học trường tư Lê Bá Cang ở Sài Gòn.
Ngoài làm thơ, Kiên Giang, với nghệ danh là Hà Huy Hà, còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều – Hoa Phượng, Quy Sắc,… Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.
Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng,… Ông từng tham gia phong trào ký giả ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe của chính quyền cũ áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này, Kiên Giang đã bị đi tù.
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng nghệ thuật sân khấu.
Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kì.
Hiện nay, nhà thơ – soạn giả Kiên Giang đang tá túc tại nhà một người quen ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, sống thiếu thốn, không có người thân bên cạnh.
Hoa trắng thôi cài trên áo tím có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Kiên Giang, đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc và được nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công. Theo Kiên Giang: “Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, dốt toán nhưng giỏi luận chuyên làm bài giùm cho bạn cùng lớp, trong đó có NH – cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học lẽo đẽo đi theo sau NH. đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Cách mạng nổ ra, không có tiền đi đò về quê, NH. biết ý gửi cho, rồi đi kháng chiến, gặp người quen trong đội quân nhạc nhắn: ‘Con Tám NH. vẫn chờ mày’. Năm 1955 tôi ghé ngang Cần Thơ, xin phép má của NH. tâm tình suốt đêm bên ánh đèn dầu huê kỳ. Sau đó tôi nghe tin NH. lấy chồng có con đầu lòng đặt tên là tên ghép lại của tôi và NH. vì thế chồng cô biết rất ghen tức. Chính vì lý do nầy tôi đổi bốn câu kết bài thơ này, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng.
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu
Từ nay tóc rũ khăn sô
Em cài hoa tím trên mồ người xưa
thành cái kết:
Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có chúa ở trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi !
Năm 1999, hãng phim TFS Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh có làm phim “Chiếc giỏ đời người” về sự nghiệp hoạt động văn nghệ của tôi, khi trở về Cần Thơ quay lại cảnh trường cũ, mới hay tin là NH. mất năm 1998. Tôi mua bó huệ trắng, ra thăm mộ NH. ở nghĩa trang Cái Su. Đúng là
Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ”