Thông tin về nhạc sĩ Đức Miêng
Đức Miêng, nhạc sĩ chuyên về Quan Họ, Việt Nam
Nhạc sĩ Đức Miêng sinh ngày 19/1/1952 tại làng Vân Trung, xã Tân Chi, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Tuy làng anh không phải là làng Quan họ gốc, nhưng từ buổi ấu thơ, cậu bé đã ham học và rất mê hát.
Anh chính gốc Thái Bình nhưng chạy loạn lên Tiên Sơn thời chống Pháp và thành dân Quan họ từ đấy. Ông nội anh học trường Bách nghệ Đông Dương có năng khiếu điêu khắc và hội hoạ. Bố anh cũng là một hoạ sĩ. Nhưng tới thế hệ Đức Miêng thì có tới ba anh em ruột đều là nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật biểu diễn khác nhau: Đức Miêng, Thanh Mạn, Thanh Miền.
Những người yêu thích dân ca Quan họ, đặc biệt là Quan họ cải biên hoặc những sáng tác mới mang âm hưởng Quan họ đều có thể coi Đức Miêng là người bạn tâm tình, gần gũi và thân thiết. Về phần mình, nhạc sĩ Đức Miêng cũng chứng tỏ sự trung thành đặc biệt của anh đối với niềm đam mê của họ. Trong khoảng thời gian không dài từ năm 1978 đến 1980, nhạc sĩ Đức Miêng đã đặt lời và cải biên thành công gần 100 ca khúc trên cơ sở của các làn điệu Quan họ. Tên tuổi Đức Miêng sớm được giới âm nhạc chú ý và dần dần khẳng định. Những sáng tác của anh nhanh chóng chiếm lĩnh các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư ở mảng dân ca như một hiện tượng đặc biệt. Có thể lấy ví dụ điển hình ở ca khúc Chiều biên giới mà anh sáng tác vào thời điểm nóng bỏng của chiến tranh biên giới tây – nam, rồi biên giới phía bắc. Phải nói rằng bài hát đã đi vào lòng người. Trở thành tiết mục biểu diễn của khá nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước. Khi được hỏi về những thành công của mình, nhạc sĩ Đức Miêng tâm sự: “Ngay từ lúc còn là nhạc công ở Đoàn ca múa Hà Bắc, tôi đã cảm nhận những giai điệu rất đẹp của dân ca Quan họ như “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Đêm qua nhớ bạn”, “Đi cấy”, “Nguyệt gác mái đình”, “Giăng thanh gió mát”… và tôi tin là nhân dân cũng đồng điệu với tôi nên đã mạnh dạn đặt lời… Còn các anh thấy đấy, dù sao các sáng tác đã được ghi nhận bước đầu”.
Đức Miêng thật khiêm tốn, nhưng sự nghiệp sáng tác của anh còn được ghi nhận ở một mảng sáng tạo khác đòi hỏi nhiều tài năng và cả sự táo bạo nghề nghiệp, đó là những ca khúc hoàn toàn mới chỉ dựa trên những âm hưởng của dân ca Quan họ. Thế rồi lại một lần nữa anh đã thành công. Liên tiếp trong vòng 10 năm, anh nhận giải thưởng lớn về sáng tác tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 cho ca khúc “Gửi về Quan họ“ và giải thưởng 1 trong 10 bài hát hay nhất năm 1993 của Đài tiếng nói Việt Nam cho bài “Mùa xuân qua sông Đuống”. Trong nhiều sáng tác của mình, nhạc sĩ Đức Miêng thường tâm đắc với những nét đẹp Quan họ, điển hình như: Nón ba tầm, Trầu cau Quan họ với phần lời ca thắm thiết, sâu nặng như khơi, như gợi tưởng cái sức mạnh tiềm ẩn của đời sống tâm hồn nơi thôn dã. Gần đây nhất, một ca khúc đựoc anh sáng tác có tựa đề Dịu dàng chính là sự tiếp nối nhất quán cái tư tưởng tình cảm ấy của tác giả suốt mấy chục năm ôm đàn, cầm bút. Cái mới của ca khúc là ở chỗ nó mang tải một “nỗi đau thân thế” của tác giả trước hiện thực còn xô bồ hôm nay khi con người “dịu dàng” trong cuộc sống cứ ngày một ít đi. Và buồn thay cái phẩm chất tưởng như đậm đặc đến tuyệt vời ấy trong con người Quan họ cũng dường như phai nhạt… Một “trạng thái” man mác như thoảng, như mơ của ca khúc lại đầy sức thuyết phục, đầy năng lực neo giữ con người trước những phong ba bão táp của cuộc đời. Hãy thử nghe một phần lời thơ trong ca khúc “Dịu dàng” của anh:
Dịu dàng là cánh chim câu
Bay lên mà chẳng làm đau khung trời
Dịu dàng là áng mây trôi
Lững lờ mà chẳng hẹn người về đâu…
Trần Chính (https://bcdcnt.net/)