Thông tin về ca sĩ Lâm Minh Thảo
Nghịch cảnh gia đình khiến Lâm Minh Thảo phải một mình lên Sài Gòn lập nghiệp từ rất sớm. Những ngày đầu, cô vào chùa Phổ Đà làm công quả rồi được sư cô Huệ Đăng cưu mang. Tiếng chuông chùa ngân nga mỗi độ chiều về, như một làn gió mát lành thổi vào tâm hồn cô bé xa gia đình. Sở hữu chất giọng mượt mà, đằm thắm, Thảo thường được yêu cầu hát những bài ca về nhân sinh trong giáo lý nhà Phật. Và âm nhạc đến với Minh Thảo như một định mệnh, khi cô được nghệ sĩ Huỳnh Hoa dìu dắt.
Giọng ca của Lâm Minh Thảo mới mẻ, sâu lắng, được nhiều người thích thú. Ngày đầu đứng chân trên sân khấu, Thảo là MC kiêm ca sĩ của phòng trà Arnold ở Sài Gòn. Năm đó, Thảo 21 tuổi, cái tuổi đang sung sức và tràn trề nhựa sống cho những khát khao chinh phục niềm đam mê âm nhạc. Thảo vẫn nhớ như in lần đầu tiên đứng trên sân khấu, cô vừa hồi hộp, vừa run run lại vừa hạnh phúc khi hóa thân vào “Người đi ngoài phố”, “Sầu lẻ bóng”, “Sầu tím thiệp hồng”… Thể hiện xong ca khúc, dưới khán phòng lặng đi bởi dư âm đọng lại. Những tràng pháo tay giòn rã, những cặp mắt trầm trồ thán phục dành cho cô, cho chất giọng sâu lắng, tình cảm và chan đầy ký ức. Những đêm sau đó, Thảo như được tiếp thêm lửa để cô cháy hết mình trên sân khấu. Để rồi khi rời ánh đèn sâu khấu, Lâm Minh Thảo một mình trên chiếc xe đạp giữa đường phố Sài Gòn lấp lánh ánh đèn, giữa dòng người đông đúc của phố thị. Cô trở về căn phòng trọ nhỏ của mình. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân như cơn sóng cuộn trào bám lấy cô ca sĩ quê hương Trà Vinh.
Mặc dù sở hữu chất giọng trời ban, nhưng Lâm Minh Thảo luôn ý thức phải không ngừng tập luyện. Cô tham gia khóa học thanh nhạc 4 năm tại một ngôi trường nổi tiếng ở Sài Gòn để hoàn thiện hơn con đường âm nhạc của mình. 11 năm đứng trên sân khấu, Lâm Minh Thảo đã ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Sau này, cô hợp tác với phòng trà Tiếng xưa, sân khấu Trống đồng, được nghệ sĩ Harmonica Tòng Sơn giúp đỡ, đã đưa Thảo ngày càng thăng hoa trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Hỏi Lâm Minh Thảo tại sao lại chọn dòng nhạc Bolero? Thảo bảo rằng, cô hát được tất cả các thể loại âm nhạc nhưng vẫn yêu nhất là Bolero, bởi đây là dòng nhạc trữ tình truyền thống. Giai điệu nhẹ nhàng, êm ái, như lời thủ thỉ của con tim, lời tự tình của tâm hồn. Bolero giúp người hát trút hết nỗi niềm với nhạc, giúp người nghe cảm thấy có mình ở đó. Là thế hệ ca sĩ 8X, Lâm Minh Thảo còn khá trẻ và đầy triển vọng. Cô mong muốn dùng giọng ca của mình để thổi tình yêu âm nhạc, đặc biệt là Bolero vào thế hệ trẻ, để họ hiểu hơn về giá trị của dòng nhạc này, từ đó thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương.
Theo HOA NGUYÊN/Lao động và Xã hội