Thông tin về ca sĩ Khôi Nguyên
Khôi Nguyên tên thật là Trang Nhật Khởi, sinh ngày 29 tháng 1 tại Trà Vinh – miền đất sản sinh ra khá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, trong đó có nhạc sĩ Trúc Phương – ông hoàng của dòng nhạc bolero… Khôi Nguyên vào nghề ca hát với sự dìu dắt của người thầy, người chú là nhạc sĩ Thanh Sơn – tác giả Nỗi Buồn Hoa Phượng. Nghệ danh khôi Nguyên (có nghĩa là người đỗ đầu trong một kì thi, được nhạc sĩ Thanh Sơn đặt cho với mong muốn Khôi Nguyên sẽ gặp nhiều may mắn, thành công). Nhắc đến Khôi Nguyên là nhắc đến những ca khúc nhạc vàng, nhất là về tuổi học trò, về mẹ với giọng hát luyến láy và cách rung giọng đặc trưng: Tím Một Mùa Trâm, Màu Tím Lavender, Màu Áo Hoa Phượng, Ve Sầu Mùa Phượng, Tìm Về Nắng Hạ, Tàu Xa Thị Trấn, Gặp Giữa Miền Cao, Ngồi Buồn Hát Lý Mồ Côi, Buồn Tình Hát Lý Mù U, Tình Thắm Duyên Quê, Xin Làm Chim Rừng Núi…
Ca sĩ Khôi Nguyên với những ca khúc Tím Một Mùa Trâm, Tìm Về Nắng Hạ, Màu Áo Hoa Phượng, Ve Sầu Mùa Phượng, Màu Tím Lavender, Tìm Về Nắng Hạ, Buồn Tình Hát Lý Mù U, Ngồi Buồn Hát Lý Mồ Côi, Lời Tạ Từ, Gặp Giữa Miền Cao, Tàu Xa Thị Trấn, Mùa Xuân Xa Quê, Tình Thắm Duyên Quê, Nhớ Quê Tôi Về, Xin Làm Chim Rừng Núi….
Thông tin nghệ sĩ:
Tên khai sinh: Trang Nhật Khởi
Nghệ danh: Khôi Nguyên
Sinh 29/1 tại Trà Vinh
Thể loại: Nhạc vàng, Trữ tình quê hương
Nghề nghiệp: Ca sĩ
Năm hoạt động 2012
Ca khúc tiêu biểu Tím Một Mùa Trâm, Màu Tím Lavender, Màu Áo Hoa Phượng, Ve Sầu Mùa Phượng, Niên Học Sau Cùng, Mưa Lạnh Trên Đèo, Gặp Giữa Miền Cao, Tàu Xa Thị Trấn, Người Hát Dân Ca, Buồn Tình Hát Lý Mù U, Ngồi Buồn Hát Lý Mồ Côi, Trả Tôi Về, Rồi 20 Năm Sau, Lời Tạ Từ, Xem Tuổi Se Duyên, Bằng Lòng Đi Em, Tình Thắm Duyên Quê, Nhớ Quê Tôi Về, Mùa Xuân Xa Quê, Xin Làm Chim Rừng Núi …
Tiểu sử
Khôi Nguyên sinh ra trong gia đình rất nghèo. Ba phải đi làm ăn xa nhà, khi Sài Gòn, khi Bảo Lộc, Lâm Đồng. Mẹ anh, đêm đêm thắp ngọn đèn dầu trong mái nhà lá ru con, chờ chồng. Niềm vui tuổi thơ của Khôi Nguyên là nhận được bịch trứng cút, vài viên kẹo mà ba mua được ở những trạm dừng chân của những chuyến xe đò trong những chuyến ngược xuôi. Đó là những món ăn xa xỉ mà phải chờ rất lâu, mỗi khi ba về nhà, cậu bé Nguyên mới có thể được ăn. Sau này, ba về quê. Ba mẹ anh làm đủ nghề để kiếm sống, nuôi Khôi Nguyên và một người em gái nữa của anh. Ba mẹ anh thường phải đi lấy hàng, giao hàng từ rất sớm và về rất khuya. Khôi Nguyên được gửi cho ngoại và nội chăm sóc, đến khuya mới được ba mẹ rước về. Tuổi thơ anh là nhiều đêm ở nhà ngoại, bên ngọn đèn dầu, lắng nghe tiếng xe honda chạy ngoài đường mà canh ba mẹ về. Ngày xưa, đường quê rất vắng, nhất là ban đêm, chỉ vài xe qua lại, nên chỉ cần nghe tiếng xe xa xa là Khôi Nguyên có thể đoán được đó có phải là tiếng xe của ba mẹ về hay không. Ngày nào, Khôi Nguyên cũng chờ mỏi mòn rồi ngủ thiếp đi. Đến khuya lắm, ba mẹ anh mới về để chở con về nhà. Một thời gian sau, Khôi Nguyên được gửi về nhà nội ở tạm, nên anh khá gần gũi nội với những kỷ niệm chiều chiều đi dọc con lộ vắng trước nhà để tước lá me non ăn. Rồi sáng sáng lại theo nội ra chợ bán cơm rượu, bánh tét và được nội cho vài cái bánh tét, bánh ít, vài trái cây miền quê. Lớn lên thêm chút, ba mẹ chuyển sang nghề khác nên có thời gian ở gần con hơn. Ba mẹ trồng hoa lài và bán trà uống. Nhà cũng không khá hơn, vẫn còn nghèo khổ. Ba mẹ anh phải tự đi bộ gánh nước về tưới hoa lài. Tự làm tất cả. Tuy không được giàu có về vật chất nhưng được cái, cả ba và mẹ anh rất thương anh. Những ngày Tết trung thu, ba tự tay vuốt tre làm chiếc lồng đèn hình ngôi sao năm cánh. Mẹ thì vá từng cái áo, nhường từng món ngon cho con. Có lần, Khôi Nguyên được nội cho trái cam. Mẹ anh nói, hôm nay ngày cúng, chưa mua được gì để cúng, hay là con đưa cho mẹ cúng rồi con hãy ăn. Nhưng hỏi ra mới biết trái cam ấy đã được cúng rồi. Nhà nghèo đến vậy. Nhưng, theo thời gian, nhờ chăm chỉ và tính tình ngay thẳng, hiền lành, gia đình làm ăn ngày càng khá hơn.
Ca sĩ Khôi Nguyên
Nói về đam mê ca hát, nghệ thuật. Từ bé, Khôi Nguyên đã nhịn ăn sáng, để dành tiền để đi xem cải lương và phim bộ. Thời đó, ba mẹ đưa anh đi học còn phải canh bóng nắng để đoán giờ. Và vùng quê lúc đó cũng chưa có điện. Mỗi vùng chỉ có 1,2 cái tivi. Người ta mua máy đèn về để chiếu phim, cải lương bán vé. Sau này, ở nhà, ba anh dành dụm mua được máy catsettle và nghe bằng bình.Từ nhỏ, anh đã nghe ba mẹ mở nhạc Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền… Những thanh âm phát ra từ máy catsettle dần dần đi vào lòng và thành đam mê lúc nào không rõ, chỉ biết từ rất nhò. Đến những năm 90, lúc đó, nhà nhà đã có đầu máy và xem các băng video ca nhạc, thời đó có Mỹ Huyền, Randy… rồi dần dần sau đó là đĩa nhạc, với những ca khúc của Như Quỳnh, Mạnh Đình, Mạnh Quỳnh… Khác với những bạn bè cùng trang lứa thường thích tham gia vào những cuộc vui, đi chơi, Khôi Nguyên lại thích ở nhà nghe nhạc. Là một học sinh giỏi văn, tâm hồn lãng mạn, Khôi Nguyên dễ cảm nhận những ca khúc nhạc vàng bởi ngoài giai điệu thì ca từ của những bản nhạc vàng cũng góp phần gây thương nhớ. Thời gian cứ thế trôi qua, Khôi Nguyên có một tuổi thơ nghèo khó nhưng êm đềm tại vùng quê miền Tây gắn với những ca khúc nhạc vàng sâu lắng. Và sau này, nhạc vàng đã trở thành một phần tuổi thơ của Khôi Nguyên với những kỷ niệm đi đâu cũng mang theo trong trí nhớ.
Khôi Nguyên
Lớn lên, khi Khôi Nguyên học hết lớp 12 cũng là lúc gia đình đã khá giả hơn, Khôi Nguyên xin thi vào Nhạc viện, muốn trở thành ca sĩ trong sự ngỡ ngàng của người thân vì bản tính anh vốn rất ít nói, nhút nhát. Chỉ thích hát chứ chưa bao giờ dám hát trước đám đông, dù chỉ là hát trong phạm vi trường lớp, đám tiệc. Ba anh không đồng ý, không muốn con mình phải khổ vì nghề hát như lục bình trôi, lênh đênh nay đây mai đó. Ông muốn con mình theo nghề bác sĩ để ổn định. Nhưng cuối cùng đành chịu. Vì ở vùng quê, không quen biết ai và thời đó cũng không có internet như bây giờ nên hạn chế về thông tin. Không biết muốn trở thành ca sĩ là phải bắt đầu từ đâu. Hỏi tới hỏi lui, cuối cùng, mẹ anh và anh đã đón xe đò để đến Nhạc viện nộp hồ sơ cho anh thi vào khoa thanh nhạc. Là một người ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài nhưng anh cảm nhận rõ tình thương của mẹ anh và những hình ảnh đó theo anh mãi về sau này. Đó cũng là lí do về sau, trong những ca khúc Khôi Nguyên hát thường thấp thoáng hình ảnh người mẹ như: Tím Một Mùa Trâm, Ngồi Buồn Hát Lý Mồ Côi, Tàu Xa Thị Trấn…
Năm đó, Khôi Nguyên thi đậu vào Nhạc viện, giám khảo mùa đó là nhạc sĩ Trần Tiến, Anh đậu với số điểm gần tuyệt đối về hát. Môn văn đạt điểm cao nhất của toàn khóa. Riêng điểm kí xướng âm không cao vì còn dở về nhạc lý. Ba anh tuy không muốn con theo nghề ca hát nhưng rất thương con nên đã đưa con lên Sài Gòn nhập học. Tay xách tay mang, nào dầu gió, nào xô, nào ca và những vật dụng ở quê lên Sài Gòn. Trùng hợp nơi đầu tiên hai cha con đặt chân lúc xe dừng tại Sài Gòn là rạp hát Thủ Đô. Tối hôm đó, ngồi bên hông rạp hát thấy các ca sĩ như Ngọc Sơn bước ra từ lối vào rạp hát, Khôi Nguyên luôn mơ một ngày nào đó được đứng trên sân khấu. (Và không ngờ, sau này, ca khúc đầu tiên Khôi Nguyên quay hình cho một trung tâm cũng được thực hiện tại rạp hát này – ca khúc Niên Học Sau Cùng). Sau đó một năm, anh thi và đậu vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật., giám khảo là nhạc sĩ Trần Hiếu. Cùng đậu chung một khóa thanh nhạc với Khôi Nguyên năm ấy có hoa hậu hoàn vũ Thùy Lâm, Ngô Kiến Huy, Song Huy…Tuy nhiên, mỗi người theo đuổi một con đường riêng. Trong đó, chỉ có Khôi Nguyên đi theo dòng nhạc trữ tình quê hương. Lúc đó, nhạc bolero, âm hưởng dân ca đang bị xem nhẹ và hầu như hiếm người hát vì khán giả tập trung nghe nhạc Làn Sóng Xanh và nhạc trẻ nhiều. Thậm chí, mỗi khi có ai hát bolero đều bị cho là sến, trình độ thấp. Tuy nhiên, Khôi Nguyên vẫn một lòng với dòng nhạc trừ tình này. Anh và các bạn cùng khóa như Thùy Lâm tập tành đi hát từ những show nhỏ, hát các quán cà phê ở Sài Gòn rồi đi các tỉnh như Bình Dương, Tiền Giang, An Giang… Và cả những chương trình thiện nguyện. Thời gian đầu xa nhà và tập tành đi hát, Khôi Nguyên rất nhớ nhà vì ngoài đời sống đầy những ganh ghét, bon chen, thậm chí hại nhau, mà tính anh lại trầm lặng và quá hiền lành. Một lần, quay hình ca khúc Mùa Xuân Cưới Em cho một trung tâm hải ngoại, có danh hài Kiều Linh trợ diễn cho anh. Trước giờ quay hình 30 phút, những chuyện hậu trường đã làm Khôi Nguyên khóc hết nước mắt và định bỏ về, nhưng cuối cùng niềm đam mê nghề đã thắng và anh lau nước mắt quay xong ca khúc vui này. Mọi thứ không đẹp như trong suy nghĩ của cậu bé ở làng quê ngày nhỏ từng hình dung. Ca sĩ mới vào nghề đa số đều trải qua những chuyện tiêu cực trong nghề. Những ngày tháng nằm một mình ở nhà trọ, đêm đêm lại nghe tiếng còi tàu vì nơi anh ở là xóm đạo, gần cổng xe lửa số 6, thỉnh thoảng nghe tiếng ghita ai đàn trong đêm mưa, cảm giác rất nhớ nhà và nhiều trăn trở. Những ngày âm thầm trong đêm đó, anh càng nghe nhạc nhiều. Những tâm sự ấy được tìm thấy trong những ca khúc trữ tình, để từ đó giọng hát của chàng trai tuổi mới đôi mươi ngày càng mang nhiều nỗi niềm hơn. Những tình cảm đó sau này được Khôi Nguyên gửi vào trong ca khúc Tàu Xa Thị Trấn với những ca từ da diết “Tàu đi trăm hướng muôn phương, tàu mang ánh sáng xa xôi qua phố nhỏ cho mắt mẹ niềm tin vẫn còn”.
Một năm sau, trong một lần đọc báo, Khôi Nguyên đã làm gan tìm đến gặp nhạc sĩ Thanh Sơn – tác giả nổi tiếng với ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng và rất nhiều ca khúc khác để “tầm sư học đạo”. Anh tìm đến Trung tâm văn hóa Bình Thạnh vì theo bài báo, nhạc sĩ Thanh Sơn đang làm biên tập ca nhạc tại đó. Tuy nhiên, khi đến nơi thì biết tin nhạc sĩ Thanh Sơn đã nghỉ hưu. Năn nỉ lắm nhưng một chú làm việc trong trung tâm vẫn không chịu cho số điện thoại của nhạc sĩ Thanh Sơn. Nhưng, xin mãi, chú ấy chỉ nhà, tiếc là cũng không cho số nhà cụ thể. Phải mất nguyên ngày, cuối cùng tới chiều tối, Khôi Nguyên mới tìm gặp được nhạc sĩ Thanh Sơn. Và gửi cho ông cái đĩa có thu 2 bài: Tình Thắm Duyên Quê và Nhật Ký Đời Tôi. Ông hẹn hẹn tuần sau sẽ trả lời. Cuối cùng, nhạc sĩ Thanh Sơn đã đồng ý nhận Khôi Nguyên làm học trò cuối cùng của ông mà không nói rõ lí do. Và sau này, ông cho biết, lí do chính vì ông cảm thương hình ảnh của một chàng sinh viên hiền lành, quê mùa, quá đam mê nghề. Hình ảnh Khôi Nguyên với đôi chân mang dép, đầu tóc rối bời vì nguyên ngày tìm nhà làm ông xúc động. Lúc đó, về kĩ thuật Khôi Nguyên chưa có nhiều, còn rất non nớt nhưng ông thấy được trong chất giọng có riêng biệt, dễ nhận ra sự luyến láy và đặc biệt là cách rung giọng có đặc trưng riêng. Nếu có người hết lòng định hướng, chỉ dẫn sẽ phát triển được thành một giọng khi nghe sẽ nhận ra ngay.
CD Niên Học Sau Cùng – Khôi Nguyên.
Như một cái duyên định mệnh, Khôi Nguyên đã có những ngày gắn bó với nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông hướng dẫn từng cái nhỏ nhất, từ nhịp nhàng, cách nhả chữ, ngắt hơi ở những chỗ hợp lí, nhấn nhá, luyến láy… Và chính ông cũng là người định hướng cho Khôi Nguyên để có cách hát riêng cho mình vì theo ông ca sĩ cần nhất là cách hát không lẫn vào ai. Muốn thế, phải chịu khó tìm tòi, suy nghĩ dựa trên những điểm mạnh của mình. Ông đã khuyên Khôi Nguyên rèn luyện hát theo trường phái luyến láy, nhấn nhá và rung giọng, hát đúng chất theo kiểu những ca sĩ trước 75 như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh và thế hệ trẻ là Như Quỳnh, chứ đừng theo một số ca sĩ sau này. Hơn một năm sau, ông đưa cho Khôi Nguyên ca khúc đầu tiên là Màu Áo Hoa Phượng. Ngay thời điểm đó, chưa có ca sĩ nào trình bày, trên mạng onlie cũng không phổ biến nên cũng không tìm ra bản thu trước 75. Ông độc quyền ca khúc này cho Khôi Nguyên là ca sĩ đầu tiên thu thanh, thu hình. Chính ông đã đưa Khôi Nguyên vào phòng thu, sửa từng nốt, tìm bối cảnh có hoa phượng thật đẹp để quay hình. Và ông đã có những lời phát biểu thật chân tình, hết lòng với chàng ca sĩ trẻ hiền lành này. Nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đã giới thiệu Khôi Nguyên với danh ca Giao Linh. Danh ca Giao Linh đã có những hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm của mình lại cho Khôi Nguyên để hát ngày càng vững vàng hơn, luyện hơi dài và ngắt hơi hợp lí. Sau đó, nhạc sĩ Thanh Sơn dành độc quyền cho Khôi Nguyên ca khúc tiếp theo là Ve Sầu Mùa Phượng. Thật ra, ca khúc này được nhạc sĩ viết trước 75, nhưng theo ông, lúc ấy, ông còn khá trẻ nên về phần lời, ông cảm thấy còn non, rất nhiều câu ông chưa hài lòng, nên ông đã đặt lời mới lại và trao cho Khôi Nguyên độc quyền. Đây là món quà, tấm lòng của một người chú, người thầy với thế hệ con cháu, không vụ lợi. Tuy nhiên, số phận ca khúc này khá long đong. Vừa thu thanh xong, chưa kịp quay hình thì nhạc sĩ Thanh Sơn bệnh nặng và cuối cùng qua đời. Thế là, ca khúc Ve Sầu Mùa Phượng với phần lời mới viết được nhạc sĩ Thanh Sơn rất tâm đắc chỉ được phát hành CD với tiếng hát Khôi Nguyên. Khi Khôi Nguyên tốt nghiệp thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật cũng là lúc nhạc sĩ Thanh Sơn ra đi. Mãi đến khoảng 6 năm sau, năm 2019, Khôi Nguyên mới trở lại và thực hiện quay hình ca khúc này với những hình ảnh và tư liệu cảm động về sự gắn bó giữa hai thầy trò. Anh chia sẻ: đó là nén nhang, là tấm lòng anh dành cho nhạc sĩ Thanh Sơn.
Sau khi không còn nhạc sĩ Thanh Sơn, Khôi Nguyên ký hợp đồng độc quyền với Nhạc xanh – công ty quản lý Nhật Tinh Anh. Thời điểm đó, Khôi Nguyên và Bạch Công Khanh là ca sĩ mới, vào công ty cùng một lúc. Khôi Nguyên vẫn theo đuổi dòng nhạc trữ tình quê hương. Tuy nhiên, sau 6 tháng, Nhật Tinh Anh rời công ty vì hết hợp đồng. Khôi Nguyên thấy đường hướng của công ty không phù hợp với mình nên quyết định chấm dứt hợp đồng nhờ có sự can thiệp của một người chú làm bên quản lý lúc đó.
Khôi Nguyên
Trở thành ca sĩ tự do, đang loay hoay, định tiếp tục những dự định của mình thì có một sự cố xảy ra với Khôi Nguyên. Anh bị điếc một bên tai. Bình thường nghe 10 phần thì nay chỉ còn 7,8 phần, không nghe rõ. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc ca hát của anh bởi ca sĩ cần phải có tai nghe chính xác. Sau một năm điều trị đủ mọi cách, bệnh vẫn không khỏi. Đó là thời gian rất vất vả vì anh không thể tiếp tục công việc ca hát. Và tấm bằng tốt nghiệp thanh nhạc của anh cũng phải cất đi. Cuối cùng, anh đành nghe theo lời khuyên của gia đình, thi vào khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm, để sau này sẽ trở thành thầy giáo dạy văn. Như vậy cũng hợp với tính tình hiền lành, không thích bon chen, tranh giành của anh. Ca khúc cuối cùng anh thu hình xem như một lời từ giã âm thầm với nghiệp ca hát là Lời tạ Từ, Khôi Nguyên song ca với danh ca Trang Mỹ Dung – lúc đó thu hình cho một trung tâm hải ngoại về Việt Nam quay ngoại cảnh. Sau đó, Khôi Nguyên đành dừng lại con đường ca hát dù rất nhớ nghề. Mãi một thời gian sau, khoảng 2 năm, một bên tai của Khôi Nguyên mới dần bình phục và sau này là bình phục hẳn. Lúc ấy, anh đang học đại học năm thứ 2, không chắc là tai có bị lại nữa không nên vẫn duy trì việc học và sắp xếp ngoài thời gian học mới thu âm. 2 ca khúc được biết nhiều trong thời gian đó là Người Hát Dân Ca và Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, song ca Phương Mỹ Chi. Sau đó, anh có thực hiện 1 CD Niên Học Sau Cùng và quay hình ca khúc này cho một trung tâm hải ngoại. Đây là ca khúc trước 75 được Khôi Nguyên là ca sĩ đầu tiên thu hình. Lúc đó, người quen, bạn bè cũ lẫn mới ai cũng thắc mắc, tại sao Khôi Nguyên lại chọn đi học trong khi có bước đệm rất tốt từ nhạc sĩ Thanh Sơn và ngay thời điểm đó là 2 ca khúc song ca với Phương Mỹ Chi rất được chú ý. Với bản tính không thích kể lể nhiều về đời tư, nhất là những chuyện buồn nên chỉ vài người thân thiết mới biết lí do.
Khôi Nguyên học đến khi tốt nghiệp Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm và tai nghe của anh đã bình phục hẳn. Anh liên lạc lại với danh ca Giao Linh nói định đi hát trở lại. Nữ danh ca Giao Linh động viên, hết lòng giúp đỡ và Minishow Giao Linh – Khôi Nguyên với chủ đề Ngàn Năm Tình Vẫn Đẹp được phát hành. Tuy nhiên, anh không PR, không chiêu trò và cũng không tham gia bất kì game show nào bởi tuy không đi hát nhiều vì 4 năm bị dừng lại nhưng anh biết rằng phải đủ Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa mới làm bật sáng một tên tuổi. Vốn là người không bon chen, ít nói nhưng hiểu thời thế nên anh chọn con đường nhẹ nhàng, không nổi bật nhưng bù lại cái được nhất là được hát đúng những bài mình thích và tìm được những khán giả, những tâm hồn đồng điệu thật sự, chứ không phải những lượt view ảo. Và anh vẫn đi trên con đường bình yên, hạnh phúc kể cả cuộc sống ngoài đời lẫn công việc ca hát. Thỉnh thoảng, anh chỉ phát hành một số bài lẻ, gần đây nhất là ca khúc do anh tự sáng tác tặng mẹ và tặng những ai có tuổi thơ một thời ở miền quê: Tím Một Mùa Trâm, được quay hình với nội dung, câu chuyện đơn giản nhưng thông điệp rất rõ ràng và ý nghĩa. Phim ca nhạc Bà Mẹ Miền Tây cũng vậy, lấy ý tưởng từ chiếc bóng, với đoạn cuối câu chuyện khá xúc động. Theo Khôi Nguyên: “Tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó. Khi lớn lên, vào đời tuy có những trắc trở nhất định nhưng đến hiện tại, cuộc sống của tôi đã khá hơn xưa. Tôi cũng cố gắng để ngày một hoàn thiện mình hơn. Với tôi, được như vậy là may mắn hơn nhiều người rồi. Suốt 10 năm nay, ba của tôi bị trầm cảm. Khoảng một năm nay, sức khỏe ba tôi đã tốt hơn nhiều. Ba tôi lớn tuổi rồi, tôi muốn ba tôi an tâm. Bây giờ, bản thân tôi hát cũng không vì muốn nổi tiếng, không tha thiết đi show nhiều, tôi chỉ hạnh phúc khi được hát những gì tôi thật sự thích, đúng với đam mê của tôi ngày bé. Tôi muốn hát và sống theo lối sống giản dị, bình yên như cô Trang Mỹ Dung. Bản chất tôi hiền lành và không có nhiều tham vọng nên tôi muốn chọn con đường hợp với tính tình của mình. Như vậy, tôi sẽ thoải mái và vui hơn. Tôi cũng có nghĩ về tương lai khi mình không còn trẻ. Tôi đã tốt nghiệp thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Ngữ văn trường Đại học Sư phạm. Tôi cũng có học make up và được các bạn bè khen nhiều. Sau này, nếu không còn trẻ, không còn duyên ca hát nữa, tôi sẽ về quê hương tôi hoặc đến Đà Lạt – nơi tôi thích, sống một cuộc đời bình dị, tôi sẽ dạy học hoặc làm make up cho các bạn. Với tôi, được làm việc nào mình yêu thích và có tâm với nghề là vui rồi. Tuy nhiên, đó là việc của tương lai. Còn hiện tại, tôi vẫn ưu tiên cho niềm đam mê lớn nhất là ca hát. Tôi rất thích bài Xin Làm Chim Rừng Núi và tôi mong một cái kết như thế!”.
CD nhạc vàng Thương Mối Tình Đầu – Giao Linh, Khôi Nguyên.
Hiện nay, Khôi Nguyên sống ổn định tại căn nhà khang trang ở quận 3, cùng một người chị nuôi đã từng giúp đỡ anh từ những ngày đầu mới lên Sài Gòn với lí do có từng nhận thì nên cho đi, những ai đã từng giúp đỡ mình, nếu có dịp nên giúp lại. Tuy không phát hành nhiều sản phẩm âm nhạc như những ca sĩ khác, thỉnh thoảng anh mới cho ra đời một vài ca khúc mới, nhưng Khôi Nguyên cũng đã phần nào tạo được điểm riêng biệt của mình với những ca khúc nhạc vàng như Gặp Giữa Miền Cao, Chiều Thương Đô Thị; Mưa Lạnh Trên Đèo, Nhớ Nhau Hoài, Xin Làm Chỉm Rừng Núi, Sầu Cố Đô, Liên khúc Lan Và Điệp, Bước Nhỏ Vào Đời, Cuốn Theo Chiều Gió, Mùa Xuân Xa Quê, Trả Tôi Về, Rồi 20 Năm Sau…đặc biệt là những ca khúc về tuổi học trò như: Màu Áo Hoa Phượng, Ve Sầu Mùa Phượng, Tìm Về Nắng Hạ, Niên Học Sau Cùng, Lưu Bút Học Trò, Họp Mặt Lần Cuối, Chiều Qua Phố Cũ…; về mẹ như: Tím Một Mùa Trâm, Ngồi Buồn Hát Lý Mồ Côi, Bà Mẹ Miền Tây – Bóng Mẹ Bên Đời…. và một số ca khúc tự sáng tác như: Màu Tím Lavender, Tàu Xa Thị Trấn, Người Hát Dân Ca, Xem Tuổi Se Duyên…
Các album phát hành
CD:
1. NGƯỜI HÁT DÂN CA (Song ca Phương Mỹ Chi)
2. NIÊN HỌC SAU CÙNG (Song ca Phương Mỹ Chi, Thanh Thúy)
3. XEM TUỔI SE DUYÊN
4. THƯƠNG MỐI TÌNH ĐẦU (Song ca Giao Linh)
5. LƯU BÚT HỌC TRÒ (Song ca Giao Linh)
DVD:
1. Minishow Giao Linh – Khôi Nguyên, chủ đề NGÀN NĂM TÌNH VẪN ĐẸP.
2. Tuyển tập những tình khúc về tuổi học trò, chủ đề MÀU ÁO HOA PHƯỢNG
3. Album nhạc vàng MÀU TÍM LAVENDER
4. Ca khúc Trang Nhật Ký – Giao Linh, Khôi NguyênAlbum phim ca nhạc TÍM MỘT MÙA TRÂM
Những ca khúc đã trình bày:
Tím Một Mùa Trâm, Niên Học Sau Cùng, Màu Tím Lavender, Họp Mặt Lần Cuối, Mưa Lạnh Trên Đèo, Nhớ Nhau Hoài, Màu Áo Hoa Phượng, Ve Sầu Mùa Phượng, Trang Nhật Ký, Trả Tôi về, Rồi 20 Năm Sau, Lời Tạ Từ, Buồn Tình Hát Lý Mù U, Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời, Liên khúc Tím Cả Rừng Chiều, Những Đồi Hoa Sim, Chiều Tây Đô, Cuốn Theo Chiều Gió, Bước Nhỏ Vào Đời…
Những ca khúc tự sáng tác:
Tàu Xa Thị Trấn, Tím Một Mùa Trâm, Màu Tím Lavender, Người Hát Dân Ca, Lưu Bút Học Trò,…
Phim ca nhạc
Nhớ Nhau Hoài, Tím Một Mùa Trâm, Bà Mẹ Miền Tây – Bóng Mẹ Bên Đời, Lưu Bút học Trò, Nỗi Buồn Hoa Mua Tím.
Tâm sự của Khôi Nguyên
“Tôi như con ve sầu, chỉ biết hát cho trọn một mùa hè nhiều kỷ niệm”.
“Tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó. Khi lớn lên, vào đời tuy có những trắc trở nhất định nhưng đến hiện tại, cuộc sống của tôi đã khá hơn xưa. Tôi cũng cố gắng để ngày một hoàn thiện mình hơn. Với tôi, được như vậy là may mắn hơn nhiều người rồi. Suốt 10 năm nay, ba của tôi bị trầm cảm. Khoảng 1 năm nay, sức khỏe ba tôi đã tốt hơn nhiều. Ba tôi lớn tuổi rồi, tôi muốn ba tôi an tâm. Bây giờ, bản thân tôi hát cũng không vì muốn nổi tiếng, không tha thiết đi show nhiều, tôi chỉ hạnh phúc khi được hát những gì tôi thật sự thích, đúng với đam mê của tôi ngày bé. Tôi muốn hát và sống theo lối sống giản dị, bình yên như cô Trang Mỹ Dung. Bản chất tôi hiền lành và không có nhiều tham vọng nên tôi muốn chọn con đường hợp với tính tình của mình. Như vậy, tôi sẽ thoải mái và vui hơn. Tôi cũng có nghĩ về tương lai khi mình không còn trẻ. Tôi đã tốt nghiệp thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Ngữ văn trường Đại học Sư phạm. Tôi cũng có học make up và được các bạn bè khen nhiều. Sau này, nếu không còn trẻ, không còn duyên ca hát nữa, tôi sẽ về quê hương tôi hoặc đến Đà Lạt – nơi tôi thích, sống một cuộc đời bình dị, tôi sẽ dạy học hoặc làm make up cho các bạn. Với tôi, làm nghề nào mình yêu thích và có tâm với nghề là được. Tuy nhiên, đó là việc của tương lai. Còn hiện tại, tôi vẫn ưu tiên cho niềm đam mê lớn nhất là ca hát. Tôi rất thích bài Xin Làm Chim Rừng Núi và tôi mong một cái kết như thế! “.
Hợp âm những bài hát do ca sĩ Khôi Nguyên thể hiện
* Chọn đúng chức năng tìm kiếm theo tên Bài hát.
* Loại bỏ các ký tự đặc biệt trong từ khóa (VD: !@#$%^&*?).
* Loại bỏ tên tác giả / ca sĩ ra khỏi từ khóa.