Thông tin về nhạc sĩ Thiên Hà

Thiên Hà tên thật Dương Cao Thâm. Anh sinh năm 1941 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Trước giải phóng, anh làm thơ, viết văn, viết báo phản chiến, ủng hộ phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam chống bắt lính. Sau giải phóng, anh cộng tác với Báo Tuổi Trẻ rồi về “đầu quân” cho Báo Công an Tp HCM đến khi nghỉ hưu (năm 2003)…
Đến nay, Thiên Hà đã góp mặt với đời hàng trăm bài thơ, truyện ký và hàng nghìn bài báo đủ thể loại. Anh là tác giả của những thi phẩm “Nhớ nhau hoài” (sáng tác năm 1966), “Gió về miền xuôi” (sáng tác năm 1967) được nhạc sĩ Anh Việt Thu chấp cánh để trở thành những bản tình ca đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả… “A lô! Vĩnh Long, ý quên, Long Vĩnh đó hả, mùa nầy cù lao An Bình dưới đó có gì vui?”. Long Vĩnh là một trong những bút danh của người viết bài này. Qua điện thoại, tôi biết ngay đó là giọng của “cậu ba” Thiên Hà, hay chính xác hơn là nhà báo, nhà thơ Thiên Hà đang gọi điện từ nhà riêng của mình ở phường Hiệp Phú, quận 9, Tp HCM. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Công an, Thiên Hà có khá nhiều kỷ niệm, nhất là trong những năm 90 của thế kỷ trước. Thuở ấy, cũng như bao nhiêu phóng viên kỳ cựu của Báo Công an Tp HCM như Thanh Liêm, Lại Văn Long, Kiều Phong, Trương Tuấn, Phan Trường Giang, Xuân Hồng…; phóng viên Thiên Hà mặc dù lớn tuổi vẫn chịu khó xông pha, rong ruổi trên các nẻo đường miền Tây để viết bài cho các chuyên mục “Chuyện vụ án”, “Trinh sát kể chuyện”, “Chuyện cảnh giác”… là những chuyên mục ăn khách của Báo Công an thành phố lúc bấy giờ. Loạt phóng sự điều tra “Một Giám đốc coi trời bằng nửa con mắt” viết về vụ án Mai Văn Huy – Giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp là một trong những phóng sự điều tra công phu trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực, đã mang về cho anh và nhóm phóng viên xã hội của Báo giải A Giải Báo chí toàn quốc năm 2000. Vốn kỹ tính và ưa trau chuốt nên anh đã được đồng nghiệp đưa vào “kỷ lục Guinness” của Báo Công an thành phố là người “điệu nhất”, bởi lẽ trong một chuyến công tác 7 ngày mà Thiên Hà trang bị cho mình tới 7 bộ complê, 4 đôi giày, 10 chiếc cavát cùng đủ loại nước hoa, kem cạo râu, dầu gội, keo xịt tóc… Tuy điệu đàng, chải chuốt nhưng Thiên Hà rất chịu khó săn tin và tạo được mối quan hệ thân tình từ đồng chí lãnh đạo các cơ quan điều tra cho đến những trinh sát mới chập chững vào nghề, vì vậy nhiều bạn bè, đồng nghiệp khi có tin hay đều alô, để dành cung cấp riêng cho “cậu ba Hà”. Thiên Hà có nhiều kỷ niệm với lực lượng Công an, đặc biệt là cánh trinh sát hình sự. Anh có những người “bạn chí cốt” ở Công an tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) như Đại tá Phan Vĩnh Lạc, nay là Phó Giám đốc Công an tỉnh; Thượng tá Nguyễn Việt The -Trưởng phòng CSHS; Thượng tá Nguyễn Việt Quang – Chánh Văn phòng Công an tỉnh… Vào những năm 1990, lực lượng Công an tỉnh Cửu Long phải đối mặt với nhiều băng cướp có vũ trang sừng sỏ như Mã Bình, Hải Sộp, Phan Kha Mao… Trong một lần mai phục, phát hiện tên cướp Mã Bình vừa leo lên một chiếc ghe định ăn hàng, trinh sát liền lên đạn ra lệnh đứng im. Nhưng Mã Bình đã vội phóng xuống sông mất dạng. Trinh sát liền nổ súng bắn theo, đồng thời cho bật đèn pha sáng rực, chạy ghe máy quần tới quần lui “nát” cả một khúc sông nhưng vẫn không tìm thấy hắn. Có trinh sát chột dạ thốt lên: “Hồi nãy nó nhảy xuống sông, em có bắn theo mấy phát, không chừng nó trúng đạn chìm rồi!”. Vài tháng sau, Mã Bình bị bắt. Hắn khai: “Lúc nhảy xuống sông, cán bộ bắn dữ quá nên em liền lặn quay trở lại, núp dưới bụng ghe của Công an, sau đó ôm bánh lái ghe cho đến khi nghe êm mới lặn thoát thân!”. Nghe kể chuyện, Thiên Hà cười nắc nẻ và về viết bài cho mục “Trinh sát kể chuyện” với tựa đề “Em đeo lái ghe”. Rồi chuyện một tên trộm bị “gậy ông đập lưng ông”: Y biết được con rắn râu phơi khô xông khói có tác dụng như là một loại thuốc mê, ai ngửi mùi khói này vào là ngủ say như chết. Ở xóm bên vừa có một đám cưới, thế là đêm ấy y lén xông khói vào mùng cặp vợ chồng mới cưới, định bụng khoắng hết bao thơ, vòng vàng của cô dâu, chú rể. Nào ngờ bị “áp phê nghịch”, hắn cũng bị say thuốc ngủ mê man đến sáng, chẳng những không kịp ra tay mà còn bị người nhà cô dâu, chú rể bắt giữ giao cho Công an… Những mẩu chuyện vừa có chất hình sự vừa pha chút ly kỳ, dí dỏm như vậy qua ngòi bút của Thiên Hà càng thêm hấp dẫn người đọc. Về cái tên Thiên Hà của anh nghe cứ như là… sao ở trên trời. Nhưng không, chữ Hà của anh còn được giải thích là sông. Có người gọi anh là nhà thơ của những dòng sông. Quả thật là như vậy bởi những dòng sông quê hương đã gắn bó và cho anh quá nhiều kỷ niệm: Anh về Hồng Hà hay về sông Chín Cửa Dòng sông nào cũng mát đất phù sa Một sáng ngủ yên trên dòng sông tuổi nhỏ Nghe ngọt ngào mẹ hát khúc dân ca (Bài “Một sáng ngủ yên”) Trong giấc chiêm bao khát thèm nhung nhớ Ăn gạo huyết rồng uống nước Hậu Giang (Bài “Chiêm bao thấy bình minh”) Có lẽ vì vậy mà mỗi lần về Vĩnh Long công tác, anh thường gọi “chiến hữu” đến mấy cái quán cạnh bờ sông vừa ngắm lục bình trôi, vừa lai rai, vừa bàn chuyện phiếm. Nhà văn Sơn Nam từng viết về Thiên Hà: “Hơn 40 năm trước, Thiên Hà chàng trai miệt rừng đước Cà Mau đến với làng văn, làng báo Sài Gòn chẳng sợ ai và cũng chẳng nịnh ai. Khi tôi mới ra tù còn bị quản thúc, mọi người không dám tới gần sợ liên lụy, vậy mà Thiên Hà không ngại đến với tôi. Mà còn tỏ ý muốn kết thân, muốn được tôi viết lời bạt cho tập truyện ngắn “Khoảng tối sau lưng” của cậu ta. Tôi hỏi: “Bộ Thiên Hà không sợ… Sao không nhờ Ngọc Linh, anh em trong nhà viết chắc sẽ êm hơn…”, thì Thiên Hà cười nhẹ: “Bởi vì anh Ngọc Linh có “Đôi mắt người xưa” nhìn thấy tim đen, em ngại lắm; còn anh Sơn Nam là ngọn núi trời Nam có “Hương rừng Cà Mau” nên em muốn có được chút “hương” của “rừng” vậy mà!”. Thiên Hà thường ví von mình là: “Người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường – văn – trận – bút”. Nhưng đối với văn đàn, bạn bè, đồng nghiệp, anh không hề ngơ ngẩn mà luôn có cái nhìn sâu thẳm về cuộc đời với tâm trạng phảng phất chút u buồn, lo lắng của một người trai sinh ra trong thời loạn lạc, luôn hướng về tình yêu quê hương, con người, và trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh vẫn tự tin ở một ngày mai tươi sáng. Thiên Hà đã cho xuất bản nhiều tập thơ, tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Đặc biệt, về mảng hình sự, anh có cách viết hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và đôi khi anh còn nhảy sang tham gia cả lĩnh vực viết kịch bản phim… Thơ Thiên Hà hiện có hàng chục bài được các nhạc sĩ nổi tiếng như Anh Việt Thu; Nguyễn Văn Hiên, Hoàng Trang; Thanh Sơn… phổ nhạc. Tuy nhiên đến giờ này có lẽ chỉ có 2 bài thơ “Nhớ nhau hoài” và “Gió về miền xuôi” được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc là vẫn còn được nhiều người mến mộ, là những ca khúc được nhiều ca sĩ tên tuổi trong và ngoài nước trình bày. Hai bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Cuộc chiến đã làm biết bao nhiêu cuộc tình đôi lứa phải ly tán, nên dù bài thơ “Nhớ nhau hoài” ra đời tại xóm Vườn Chuối – Sài Gòn trong mùa xuân 1966, nhưng Thiên Hà đã không ngại ngần đặt câu hỏi: Em ở nơi nào Có còn mùa xuân không em? Rừng ngàn lá gió Từng đêm nhắc nhở thì thầm Nắng ở trên đầu Nắng trong lòng phố Gió ở trên non Gió cuốn mây về … (Bài “Nhớ nhau hoài”) Khi cầu Cần Thơ khánh thành vào ngày 24/4/2010, Thiên Hà lại có dịp về với miền Tây, đi qua con sông Tiền, rồi qua con sông Hậu nhưng không phải đi trên những chuyến phà Mỹ Thuận hay phà Cần Thơ nữa mà trên những chiếc cầu dây văng hiện đại. Trong niềm vui ngập tràn ấy, một thoáng xót xa lại đau đáu trong ngòi bút Thiên Hà. Ngay trong đêm trở về thành phố, anh vội viết ngay bài thơ để tưởng nhớ 54 công nhân tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Khi đi qua chiếc cầu Năm năm dài quặn thắt Năm năm dài đớn đau Mồ hôi pha nước mắt thịt xương hóa nhiệm mầu… (Bài “Huyền thoại một chiếc cầu”) Sáng nay, tôi alô, “cậu ba” hào hứng báo tin cuối tháng 5/2011 sẽ cho ra đời một quyển tiểu thuyết thể loại tâm lý – hình sự nữa để làm giàu thêm kho tàng của “Người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường văn – trận – bút”. 70 tuổi đời, gần 50 năm cầm bút, xin chúc Thiên Hà vẫn luôn giữ mãi cho mình cái chất nhân văn “Vẫn mực tím mồng tơi ngòi lá tre trái đước/Nhỏ xuống hồn hoang hóa mật cho đời”, để tiếp tục dâng cho đời những tác phẩm mà khi đọc xong là cứ “Nhớ nhau hoài”

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Thiên Hà sáng tác

Sheet nhạc

LK GIÓ VỀ MIỀN XUÔI - NHỚ NHAU HOÀI

Sáng tác: Anh Việt Thu & Thiên Hà
  Hợp âm dạo: [Am] | [F] | [F#m] | [F] | [Am] | [F] | [F#m] | [F] | [Am]  [D] | [Dm] | [Am] | [G] | [Em] | [G] | [Em7]-[Am] | [D]-[Am] Gió về miền [Am] xuôi. Anh đưa em cuối nẻo đường [C] đời. Gió đầu [Dm] non gió [...
Sheet nhạc

NHỚ NHAU HOÀI

Sáng tác: Anh Việt Thu & Thiên Hà
Hợp âm dạo (Đan Nguyên): [Gm] | [Gm] | [C] | [Gm] | [Gm] Em ở nơi [Gm] nào, có [C] còn mùa xuân không [G] em? [Gm] Rừng [Dm7] ngàn lá [Gm] gió, từng [C] đêm nhắc nhở thì [Gm] thầm. [Gm]  Nắng ở trên [F] đầu, nắng trong l...