Thông tin về nhạc sĩ Phùng Ngọc Hùng

Phùng Ngọc Hùng (1950) là nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi; ông từng đảm trách chức vụ Bí thư trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Tiểu sử

 

Phùng Ngọc Hùng: sinh năm 1950, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, là người cùng quê hương của Đô đốc Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều – Người có công khai phá vùng biển Cửa Lò – Nghệ An.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng mồ côi bố từ năm lên 7 tuổi. Tuổi thơ của ông là những tháng ngày lẫm chẫm theo mẹ đi khắp mọi chốn của làng quê. Lớn hơn một chút, việc chính của ông, theo ông nói một cách hình ảnh là "chăn bò nhiều hơn là đến trường". Khi còn học cấp I, cấp II, ông đã biết yêu thơ, tập làm văn vần và biết biến thể cả những câu ca dao tục ngữ thành thơ của mình.

Mạch nguồn thi ca ấy, đã được chắp cánh khi ông là sinh viên Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Vinh. Bài thơ đầu tiên ông viết về tình yêu và biển cả, về những con dã tràng xe cát. Bãi biển Cửa Lò quê hương nhuốm những vị mặn mòi thấm vào lòng cậu sinh viên yêu văn thơ như mỗi nỗi ám ảnh không dứt.

Cho đến bây giờ, khi nhìn lại chặng đường thăng quan tiến chức của mình, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng vẫn khẳng định rằng, có lẽ số ông may mắn, chứ bản thân ông chẳng bao giờ dám mơ và dám nghĩ tới việc, đến một lúc nào đó, mình sẽ làm đến chức Thứ trưởng. Khi đã làm rồi thì ông luôn tâm niệm một điều, mình phải gắng sức làm tốt, làm một cách hăng say, luôn lo lắng đến quyền lợi chung của anh em, đồng nghiệp, làm vì mình và cũng vì mọi người.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng nhớ lại rằng, những công việc của ông từ trước tới nay đều gắn bó mật thiết với trẻ em, đặc biệt là trong thời kỳ làm Chủ tịch “Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam”, ông đã gặp hàng trăm, hàng nghìn những hoàn cảnh bất hạnh của trẻ em trên khắp đất nước. Hóa ra, trong cuộc đời, còn vô vàn những hoàn cảnh éo le, mà nếu không đi, không gặp chúng ta không thể nào tưởng tượng ra được. Những đồng hỗ trợ nhỏ nhoi cũng chỉ giúp các em trong chốc lát, còn một cuộc đời phía trước, các em sẽ chống chọi ra sao?

Để chia sẻ những nỗi đau, Phùng Ngọc Hùng gửi hết tâm trạng của mình vào thơ, đó cũng là cách dễ nhất để ông chia sẻ với cộng đồng: "Trẻ em hôm nay/ Thế giới ngày mai/ Đó là vần thơ/ Cũng là câu hát/ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai/ Xin được nhắc ngàn lần hơn thế/ Trái đất chưa im hẳn tiếng bom rơi/ Xin điệp khúc triệu lần hơn thế/ Bao trẻ em còn đói rách trên đời/ Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười/ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Bài thơ "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" của ông sau này đã được nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc và được biết đến rộng rãi.

Giờ đây, trong căn phòng nhỏ ở gác 3, hàng ngày, ông ngồi miệt mài bên bàn làm việc để đọc và chỉnh sửa lại toàn bộ những bản thảo còn dở dang của mình. Ông muốn sang năm, nhân dịp tròn 60 tuổi, ông sẽ in một tập thơ tình. Ông nói rằng, khởi nghiệp, ông làm thơ tình, và cho đến nay, ông vẫn chưa bao giờ ngừng viết về tình yêu, nhưng vì mảng thơ trẻ em của ông nổi trội hơn nên người ta vẫn quen với một Phùng Ngọc Hùng "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai".

Rồi ông đọc cho tôi nghe bài thơ tình "Giận mà thương" (Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc): "Anh xa em nghe câu dân ca/ Giận mà thương sao da diết thế/ Ơi câu ca nặng tình nặng nghĩa/ Có lúc nào em giận anh không?/ Có lúc nào em giận anh không?/ Để anh thương suốt cả ngày em giận/ Khi xa nhau đến hàng nghìn dặm/ Giận chẳng còn mà thương rộng dài thêm".

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng tâm sự rằng, "bóng hồng" xuyên suốt trong thơ ông cũng chính là người phụ nữ của cuộc đời ông: Bà là một giáo viên tiểu học xinh đẹp, tên bà là tên một loài hoa đã không ít lần đi vào trang thơ của Phùng Ngọc Hùng: Ngọc Lan. Dường như, kể đến sự thành công cả về thi ca lẫn chuyện quan trường, Phùng Ngọc Hùng chưa bao giờ quên khẳng định vai trò của vợ.

Ông kể rằng, hồi còn khỏe, chiều thứ bảy nào, sau giờ tan công sở, ông luôn trốn những cuộc điện thoại để cùng vợ đi chơi tennis. Sau đó, hai người cùng chở nhau ra Hồ Tây ngồi hóng gió, trốn các con để đi ăn với nhau một bữa tối giản dị và đầm ấm như những đôi tình nhân mới yêu. Nghĩ lại, ông vẫn thấy bùi ngùi, vì giờ đây, ở tuổi được nghỉ ngơi thì ông lại bị căn bệnh quái ác hành hạ. Bây giờ, sáng sáng, chiều chiều, bà dắt ông đi tập thể dục trong khu tập thể, nhưng chỉ đi được chừng 30 phút là cơ thể ông đã mệt nhoài, đôi tay run rẩy, bàn chân không đứng vững…

Tôi hỏi nhà thơ Phùng Ngọc Hùng rằng, ông xin nghỉ hưu sớm trong khi đương nhiệm chức Thứ trưởng, có nghĩa là đang ngựa xe đưa đón, bỗng về làm "phó thường dân", ông có thấy buồn không? Khuôn mặt ông bỗng chùng xuống: "Nói không buồn là không đúng. Buồn chứ. Đi làm tức là có công việc, có bạn thơ, có bạn đường… Giờ đây ngồi trong bốn bức tường đối diện với chính mình, rất cô đơn. Năm 1991 tôi làm bài thơ "Có một khoảng trời", thế mà đến bây giờ, đọc lên, mới thấy đúng tâm trạng của chính mình: "Vắng bạn bè một góc trời nghiêng/ Mênh mông mấy đất cũng thành cô độc…".

Tôi lại hỏi nhà thơ Phùng Ngọc Hùng: "Đến giờ này, liệu có điều gì chưa làm được mà ông còn nuối tiếc?".

Đến câu hỏi này, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng im lặng một lúc khá lâu. Tôi hoảng hốt sợ chạm vào điều gì bất nhã khi bỗng thấy trong mắt ông có một ngấn lệ chực như rơi xuống, rồi ông nói: "Tôi là con thứ 10 trong nhà. Ba anh trai đi bộ đội thì hai anh hy sinh ở chiến trường. Một chị gái chết vì bom Mỹ lúc đang đi cày. Mẹ tôi cũng bị thương gãy tay. Ấn tượng về cuộc chiến tranh chống Mỹ đối với tôi thật khó quên. Lại càng không quên vì hiện giờ, hai người anh ruột của tôi hy sinh mà vẫn chưa tìm được hài cốt. Tôi có đi tìm, nhưng đến giờ vẫn chưa có dấu vết của các anh. Tôi cảm thấy mình như kẻ có tội, có tội với các anh, với mẹ tôi.

Như trong bài "Tìm con ở nghĩa trang Trường Sơn" tôi viết: "Mẹ đến tìm con ở nghĩa trang Trường Sơn/ Lưng mẹ còng trên hàng mộ chí/ Những tấm bia, trang sách thời gian/ Tấm bia nào ghi tên con của mẹ?/ Nước mắt nhòa mẹ nhìn không rõ nữa/ Dòng chữ nào mẹ cũng ngỡ tên con/ Mẹ lặng nhìn hàng mộ chí không tên/ Bóng mẹ nhòa trong bóng thông, bóng núi…"

Ông từng đảm trách chức vụ Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam. Năm 2007, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Nhưng nhiệm vụ nổi bật của ông vẫn là viết thơ, viết văn cho đối tượng thiếu nhi.

Ngày 1/10/2009, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định cho nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe, lúc 59 tuổi.

Các tác phẩm

 

  • Bé Hương và mèo con (1989)
  • May áo cho mèo (1992)
  • Khoảng trời thầm (1996)
  • Chùa Tiên giếng Tiên (1997)
  • Gọi bạn (1999)
  • Trẻ em và biển (2001)

Giới thiệu một bài thơ

 

Bài thơ này đã được Nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Trẻ em hôm nay

Thế giới ngày mai

Đó là vần thơ

Cũng là câu hát


Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Xin được nhắc ngàn lần hơn thế

Trái đất chưa im hẳn tiếng bom rơi

Xin điệp khúc triệu lần hơn thế

Bao trẻ em còn đói rách trên đời


Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười

Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

 

Nguồn tổng hợp: wikipedia.org & https://vnca.cand.com.vn/

Hợp âm những bài hát do nhạc sĩ Phùng Ngọc Hùng sáng tác

Sheet nhạc

TRẺ EM HÔM NAY, THẾ GIỚI NGÀY MAI

Sáng tác: Lê Mây - Lời thơ: Phùng Ngọc Hùng
TRẺ EM HÔM NAY, THẾ GIỚI NGÀY MAI   Trẻ [Am] em hôm nay, thế [C] giới ngày mai Đó [E7] là vần thơ, cũng [Am] là câu hát Trẻ em hôm nay, thế [C] giới ngày mai Xin được [F] nhắc ngàn lần hơn thế Trái đất [B7] chưa im...